Trương Cửu Lập và nghề khảm sành sứ ở Cố đô Huế

21:04 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 876
Họ Trương (người làng Kim Bồng, Quảng Nam) được vua Đồng Khánh triệu đến Huế vào năm 1885, bổ nhiệm vào Nê ngoã tượng cục (cục thợ xây) . Các cung điện, phủ đệ, của triều đình và quan lại nhà Nguyễn  đều được xây dựng, trang trí nhờ tài nghệ của các nghệ nhân nề mộc, khảm sành sứ, điêu khắc danh tiếng nhất thế kỷ XVII. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có nói đến nghệ thuật khảm sành sứ ở đất Thuận Hoá. Dưới triều Khải Định (1917-1925) dòng họ Trương rất được trọng dụng, có nhiều thầy thợ giỏi làm việc trong thành nội, và một trong số đó là thân phụ của ông Cửu Lập, được mọi người ở Huế kính trọng gọi là cụ Bát Mười (phẩm hàm bát phẩm).

Theo cha từ khi mới 15 tuổi, ông Cửu Lập là thế hệ thứ sáu học nghề, nắm vững các bí quyết, phương pháp.. để rồi nâng cao tay nghề, vươn lên trở thành một bậc thầy khảm sành sứ hàng đầu cả nước. Nghề khảm sành sứ đòi hỏi người học có hoa tay, năng khiếu bẩm sinh cùng với lòng kiên trì, tự tin vào bản thân. Một công trình kiến trúc cung điện, phủ đệ không chỉ thể hiện nghệ thuật kiến trúc, nó còn phải thể hiện quyền uy của chủ nhân là vua chúa, quan lại. Hàng tấn chén bát sành sứ quý báu được đập vỡ để phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của chủ nhân, không thể tuỳ tiện lạm dụng xài phí (ngày ấy người thợ dễ mất đầu như chơi!) Ngay việc trang trí con rồng cũng có phép tắc nghiêm ngặt. Rồng trên cung điện nhà vua là rồng năm móng, nhà quan lại rồng bốn móng, nhà thường dân chỉ được có rồng cách điệu gọi là con giao long.. Cửu Lập đã ngồi mỗi ngày hơn 14 giờ liền quên ăn, quên ngủ, để xem xét các mẫu vẽ, chọn lựa sắc màu trên một mãnh hình, rồi cắt gọt tỉa mảnh sành sứ sao cho phù hợp với hoạ tiết trang trí.. Các biểu tượng tứ quý, tứ thời, tứ cảnh, cổ đồ (sáo, đàn, kiếm, cờ, quạt..) đều có vị trí và phương hướng theo kinh dịch. Qua hàng chục năm từng trải, ông có thể kể làu làu những kiểu thức tạo hình truyền thống và giải thích rành mạch về ý nghĩa tâm linh, triết lý của tác phẩm. Những hình mẫu : lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phụng hàm thơ, mai điểu, tùng hạc, bát tiên, bát quý.. là đề tài truyền thống nhưng đường nét tuỳ theo trình độ của nghệ nhân mà sinh động, biến hoá, có thần.
Sau ngày quê hương giải phóng, ông Cửu Lập trở thành nhà giáo biên chế tại trường CĐ Mỹ thuật Huế ( 1976-1982) , ông nổi tiếng với các tác phẩm : Chân dung Hồ Chủ Tịch, Chiếc áo Bác Hồ, Bác Hồ đi công tác, Bát tiên, Bản giao hưởng hùng tráng.. được Nhà Nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân bàn tay vàng . Năm 1995, có một bộ phim tài liệu về  nhà giáo - nghệ nhân tài hoa nầy được trao giải bạc trong LHP toàn quốc, trước khi ông qua đời. Hiện nay, các thế hệ học trò của ông đang giữ vai trò chủ chốt trong việc trùng tu di tích Huế.

Truyền nghề...

Có thể nói việc trùng tu, tôn tạo các di tích ở Huế để trở thành di sản văn hoá thế giới có công không nhỏ của các nghệ nhân, thầy thợ ngành nê ngoã, khảm sành sứ. Trong đó khảm sành sứ giữì vai trò quan trọng. Và trong tương lai vẫn rất cần đội ngũ nầy. Ở Huế, bắt đầu từ công trình An Định Cung, sau 46 năm hoang phế (1955-2001 ), bây giờ đã trở thành tráng lệ với 3 sân khấu rực rỡ để biểu diễn nghệ thuật từ Festival Huế 2002. Rồi tiếp đến là Bình phong long mã trước cổng trường Quốc Học (biểu tượng trên logo Festival Huế ), Cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường hồi sinh đều có sự đóng góp công sức của các nghệ nhân khảm sành sứ .
Hằng năm, lễ tế Tổ của ngành nê ngoã được tổ chức đều đặn tại làng Địa Linh ( Hương Vinh, Hương Trà TT Huế ), trong hai ngày 23 và 24 tháng 11âm lịch. Đây cũng là dịp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo - Không thầy đố mầy làm nên. Xóm ngoã tượng cách kinh thành Huế 3 cây số về phía bắc, nằm bên phố cổ Bao Vinh hiện nay. Do vị trí thuận lợi về cả đường thuỷ, đường bộ, lại gần vùngVân Cù , Nam Thanh dồi dào đất sét tốt, nên vua Gia Long cho phép quy tụ xóm ngoã tượng ở đây. Văn bản triều Nguyễn goiü nơi đây là Quan diêu trường. Ngày nay đền thờ ông Tổ nghề nê ngoã , khảm sành sứ được giữ gìn, tôn tạo, vẫn giữ tục lệ xưa là thờ một cái bay, một cái bê bằng vàng thật, cán bằng bạc.
Bác Trương Minh, một thầy cả trong nghề nói rằng:” Hiện nay, vùng duyên hải TT Huế và một số nơi: ĐBSCL, TP HCM, Đà Lạt.. Có nhu cầu xây dựng, tôn tạo di tích, đình chùa, lăng mộ rất lớn..nhờ đó đời sống của người thầy thơ ( khảm sành sứ ) sau nhiều năm “trùm chăn“ thất nghiệp, được nâng lên rõ rệt. Có người còn xuất ngoại sang Lào, Thái, Ấn Độ...kiếm hợp đồng làm chùa. Họ nhận dạy học trò càng đông càng tốt, để đấu thầu một lúc nhiều công trình. Chỉ vài năm thầy đã có nhà cửa đàng hoàng, sắm sửa tiện nghi đầy đủ”. Với giọng nói dí dỏm bác Minh kể tiếp: ” Vì đồng tiền người thầy đánh mất lương tâm nghề nghiệp. Thầy hành trò làm việc quần quật, dạy bảo thì qua loa, tắc trách. Lại còn vẻ vời tuỳ tiện đủ kiểu nhà cửa, lăng mộ hầm bà lằng, ta không ra ta..tàu, tây chẳng giống ai! Chủ đầu tư thiếu hiểu biết cũng cho qua, hoặc vì ưa chuộng mẫu mã loè loẹt, đòi hỏi thầy trò lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia..”
Dù thực trạng nghề khảm sành sứ có biến tướng thế nào chăng nữa, song có thực mới vực được đạo, mới duy trì được nghề và khuyến học- khuyến tài những người theo học nghề nầy. Trong lực lượng thợ thầy khá đông ấy, tin rằng vẫn sẽ xuất hiện những người thầy-thợ trẻ có tâm,  giỏi nghề, để nghề khảm sành sứ không bao giờ mai một.

Những tin cũ hơn

Hạnh phúc của người làm khuyến học

Hạnh phúc của người làm khuyến học

— 21 Tháng Năm 2017

Mọi người thường gọi đùa người làm công tác khuyến học là “vác tù và hàng tổng”. Nhưng ông Trương Sỹ Tiến - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh ...

Lâu đài trên cát

Lâu đài trên cát

— 21 Tháng Năm 2017

Trở về nhà sau một đêm đi biển, chiều xuống anh Trương Anh Duy (xóm Bắc, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) ra bãi biển với cái xẻng trên vai, tay xách xô nước kèm theo tấm ván để xây những lâu đài trên cát.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trương Anh Kiệt - Hết lòng vì bệnh nhân

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trương Anh Kiệt - Hết lòng vì bệnh nhân

— 21 Tháng Năm 2017

Là một y tá quân y đã từng tham gia chiến đấu tại Campuchia cuối năm 1979, sau khi xuất ngũ, Trương Anh Kiệt đã hoàn tất chương trình đào tạo ...

Nhà giáo nhân dân GS.TSKH. TRƯƠNG ANH KIỆT

Nhà giáo nhân dân GS.TSKH. TRƯƠNG ANH KIỆT

— 21 Tháng Năm 2017

Là một nhà giáo, một nhà khoa học, một nhà quản lý, có địa vị trong xã hội, song thầy Kiệt sống rất thoải mái, vô tư. Nguyên tác mà có tình ...

Trương Chi Trúc Diễm, người đẹp thời trang cuộc thi Miss Earth 2007 làm đại sứ 'Giờ trái đất'

Trương Chi Trúc Diễm, người đẹp thời trang cuộc thi Miss Earth 2007 làm đại sứ 'Giờ trái đất'

— 21 Tháng Năm 2017

Ngày 6/3/2011 tại TP HCM, Trương Tri Trúc Diễm đã cùng nhiều bạn trẻ khởi động chiến dịch Giờ trái đất. Trúc Diễm sẽ tham gia nhiều hoạt động như: kêu gọi mọi người tắt đèn trong ngày 26/3, đạp xe cùng thanh niên TP HCM kêu gọi hưởng ứng gìn giữ môi trường sống...