Anh hùng họ Trương - Tấm thân vì nước ngàn đời lưu tiếng thơm

18:50 - 17/06/2017 Người họ Trương Admin 12350

Anh hùng họ Trương – Tấm thân vì nước ngàn đời lưu tiếng thơm

 

Ban thờ Trương Định
Ban thờ Trương Định
“Sinh vi tướng, tử vi thần”, những kẻ thân cầm gươm, mình mặc giáp phục còn mong gì hơn thế nữa. Dù cho đất Nam Kỳ lục tỉnh lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng dân Lục tỉnh, có khi nào thôi không ngợi ca người anh hùng họ Trương, dẫu cho tấm thân vì nước ấy đã thác rồi.

Dù không theo lệnh vua triệt binh thi hành Hòa ước, nhưng hành động của họ Trương cũng bởi vì nước, nên theo “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp” cho hay, “triều đình vẫn ngầm giúp đỡ ông và bí mật đưa sắc vào phong cho ông với chức mà dân chúng đã tôn lên, mặc dù mặt ngoài thì công khai cách hết mọi chức tước”.

Sống làm tướng đánh giặc

Danh tiếng của nghĩa quân Trương Định vang dậy khắp đất Nam Kỳ lục tỉnh, mỗi chiến thắng của nghĩa binh là lại làm nức lòng đồng bào biết bao nhiêu. Cụ Đồ Chiểu trong bài thơ liên hoàn (12 bài) “Khóc Trương Định” đã khen rằng:

Trong Nam tên họ nổi như cồn,

Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn.

Dấu đạn hỡi rêm tầu xích diện,

Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng môn.

Chuyển về nơi đất Gò Công (thuộc Tiền Giang ngày nay) làm căn cứ, nghĩa quân họ Trương thành cái đinh đóng vào mưu đồ bình định đất Nam Kỳ của người Pháp. Trong “Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ” đã ghi lại một chiến công của nghĩa quân Trương Định, theo đó “Ngày 22-6 (năm Tân Dậu (1861), ông đánh viên chủ quận Gò Công Pháp là Vial khiến viên này phải lên tầu mà chạy”. Nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân họ Trương, “Cận đại Việt sử diễn ca” đã ngợi ca ông là:

Dân Gò tiết nghĩa rạng ngời,

Tướng Trương Công Định gồm tài lược thao.

Chứng cứ ấy, còn được ghi rõ nơi “Lãnh binh Trương Định truyện”, và cụ thể hơn trong nghiên cứu “Khởi nghĩa Trương Định” của Nguyễn Phan Quang, Lê Hữu Phước. Ban đầu, sau khi Trương Định xưng Bình Tây đại nguyên soái, vì Hòa ước đã ký mà họ Trương không bãi binh, “Tây soái Bô-na gởi thư cho Hiệp biện đại học sĩ Phan công (tức Phan Thanh Giản) đại ý nói một hạt Tân Hòa không phải sức họ không lấy được, song nghĩ thương vùng ấy người ở đông đúc, nếu binh đến thì làng mạc thành đất hoang, cho nên chần chừ không nỡ”... “Phan công trả lời đã đem việc tâu lên, xin đợi triều đình xử trí”.

Đền thờ Trương Định tại Gò Công, Tiền Giang

Còn Trương Định, như ghi chép của Nguyễn Thông, ông giả truyền mật chỉ để kích thích mọi người. Thiếu tướng Bonard nghĩ triều đình ra lệnh cho ông, “bèn đem đại quân đến đánh Quy Sơn. Định bày kế dụ lính Tây sa vào chỗ bùn lầy, giết được rất nhiều”. Khi viết về những chiến công oanh liệt của nghĩa quân Trương Định, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Lê Hữu Phước đã thống kê rất cụ thể trong công trình “Khởi nghĩa Trương Định”.

Tỉ như: trận tấn công Chợ Lớn (đêm 6/4/1862); cuộc tập kích đồn Rạch Tra, Bến Lức, vây đồn Phước Hòa cuối năm Nhâm Tuất (1862)… phục kích toán quân của Tiểu đoàn trưởng Coquet; bẻ gãy cuộc tấn công của địch vào căn cứ Gò Công… đầu năm Quý Hợi (1863)… Hoạt động của nghĩa quân làm nức lòng dân chúng, còn thực dân Pháp và tay sai, thì bao phen “thất điên, bát đảo”.

Anh hùng trước lúc ra đi

Ấy nhưng, sức dẫu có mạnh, tướng dẫu có tài, dẫu có thành cao, hào sâu, lũy tốt, mà gặp phản loạn từ bên trong, thì cũng như chưa chiến mà nguy cơ thua đã nhãn tiền rồi vậy. Tiếc thay, nghĩa quân Trương Định lại gặp phải cái tình cảnh ấy.

Như ghi chép trong “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp”, thì vào mùa thu tháng tám, nhằm ngày 19/8/1864 (dương lịch), Trương Định cùng 30 chiến sĩ tâm phúc về làng Gia Thuận ở bên sông Vàm Láng để quan sát địa hình địa vật “thì bị tên phản tặc Huỳnh Công Tấn (tức Lãnh binh Tấn) nửa đêm đem quân Pháp về mai phục dưới bãi cỏ để đợi trời hừng sáng nổ súng”.

Vẫn theo lời tường thuật trên, khi hai bên giáp trận cự chiến, trận chiến giáp lá cà diễn ra vô cùng ác liệt. Giữa lúc ấy, vị chủ tướng Trương Định “bị một viên đạn trúng giữa xương sống và thác liền tại trận, năm ấy mới 44 tuổi”.

Nhưng trong “Lãnh binh Trương Định truyện”, Nguyễn Thông cho biết đoạn kết của vị tướng anh hùng khác với ghi chép kia khi “Tấn lén sai người đầu thú với giặc, dẫn binh phục kích, Định bị thương, rút dao đeo bên người tự vẫn chết”. Vậy là không muốn thân rơi vào tay giặc, vị chủ tướng đã tự tận quyên sinh.

Còn trong bài viết “Nén hương hoài cổ Trương Định” đăng ở tập san Sử Địa, số chuyên đề “Đặc khảo về Trương Công Định” thì theo ghi chép trong “Les premières années de la Cochinchine” của P. Vial, người trực tiếp coi mặt Trương Định khi chết, đã miêu tả trận giao phong: “Lúc bấy giờ Tấn chĩa súng sáu bắn ngay Định và hô lớn cho các mã tà bảo nhả đạn, mặc dầu Tấn có ý bắt sống. Một viên đạn trúng đích, Định bị gãy xương sống té xuống đất. Năm thây chết trong số đó có Quản Định”. Vậy là:

Tiếng xưa Đám lá tối trời,

Có ông Trương Định trãi phơi gan vàng.

Sau khi ông chết, quân Pháp đem thi hài ông về Gò Công cho công chúng xem mặt “kẻ phản loạn”. Mộ phần của ông được lựa chọn gần Tòa bố Pháp. Đám tang ấy, dân trong tỉnh đến dự rất đông. Người Pháp sau khi chôn cất ông, thì “cắt lính bố phòng chung quanh mả e nghĩa quân lại đoạt đi”.

Tem kỷ niệm 150 năm mất của Trương Định

Chết làm thần, dân ngưỡng vọng

Lại nói về những thuộc hạ thân tín của Trương Định, sau khi chứng kiến chủ tướng ngã xuống, giai thoại nơi đất Nam Bộ còn để lại câu chuyện về sự trung thành của họ, được ghi lại trong “Truyện kể dân gian Nam Bộ” về “Mười tám dũng sĩ của Trương Định”.

Lúc ấy, tên Tấn hò hét lính tràn đến cướp lấy thi hài ông. Nhưng 18 nghĩa binh còn lại vây quanh thi hài chủ tướng, quyết không cho giặc đụng đến. Một nghĩa sĩ cầm gương hét lớn: “Chúng tao còn đây, bọn phản tặc chúng bây không được đụng tới thi hài của quan lớn”.

Viện binh Pháp lúc đó cũng tới nơi, ra lệnh cho bọn Tấn ngừng lại, truyền cho viên thông ngôn thông báo cho nghĩa quân, đại ý sẽ đưa xác Trương tướng quân về Gò Công mai táng tử tế. Đại diện nghĩa quân đồng ý, nhưng đòi được đi theo, rồi chính họ trực tiếp khiêng xác chủ tướng của mình xuống tàu.

Sau khi mai táng xong, Pháp định thả 18 người, nhưng Tấn đứng ra ngăn lại và hứa sẽ dụ hàng được họ nhưng ý định của hắn thất bại. Tên phản bội liền cho đem 18 người ra cạnh ao làng, đứng xếp thành một hàng rồi đến trước mặt từng người một, hỏi họ: “Thế nào? Bây giờ hàng hay nhận lấy phát súng này?”.

Trước sau như một, hắn chẳng thuyết phục được ai, từng người lần lượt ngã xuống. Xem “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển” thì được biết rằng vì dụ hàng họ không được, lại bị mắng chửi, nên “Tấn hạ lịnh cho lính bắn chết trước mặt viên Đại úy Pháp”.

Cái chết của anh hùng họ Trương gây niềm xúc cảm lớn lao khắp nơi miền Nam Kỳ lục tỉnh. Cụ đồ Chiểu viết “Điếu Trương tướng quân văn”, có câu thương tiếc khóc than bi ai:

“Ôi!

Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp thuở gian truân;

Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử mắc nơi họa hại.

Xưa còn làm tướng, dốc rạng giồi hai chữ bình Tây;

Nay thác về thần, xin vâng hộ một câu phục thái”.

Dẫu hồn đã về biên cảnh, nhưng sự ngưỡng vọng của dân đối với anh hùng họ Trương thì chẳng lúc nào vơi. Trong “Gò Công xưa” cho biết, sau khi Trương Định chết, mộ ông được xây cất năm Giáp Tý (1864) bằng đá ong trộn nước ô dước, bia mộ ghi: “Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định chi mộ”.

Người Pháp biết được, cho phá bia ấy đi, nhưng sau đó một thời gian được sửa sang lại, khắc mới bia mộ với dòng chữ “Đại Nam, Phấn dõng Đại trướng quân truy tặng Ngũ quân quận công”. Lăng mộ ông, nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, quanh năm được hương khói phụng thờ…

Những tin cũ hơn

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

Sách lịch sử về Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy

— 21 Tháng Năm 2017

Giữa những ngày cuối năm, nhà văn Lê Khôi (Hội Nhà văn Đà Nẵng) đã cho ra mắt bạn đọc cả nước cuốn truyện lịch sử có tiêu đề “Lưỡng bộ thượng thư Trương Công Hy - Người con xứ Quảng”.

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

Võ sư Trương Văn Vịnh - Chưỡng môn VĐ Phi Long Vịnh

— 21 Tháng Năm 2017

Đất Bình Định có hàng chục võ đường, nhưng có lẽ võ đường Phi Long Vịnh của chưởng môn Võ sư Trương Văn Vịnh, 75 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là nổi tiếng hơn cả, bởi nơi đây đang sở hữu bài quyền “Ngọc trản thần công”, một trong mười bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam và là bài võ bí truyền do chính vua Quang Trung sáng tạo nên.

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

Trương Song- người lính 'mở đường máu' trên biển Đông

— 21 Tháng Năm 2017

Trên bản đồ, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được xem là hòn đảo tiền tiêu ở biển Đông. Để giữ vị trí quan trọng này, hơn 40 năm trước, rất nhiều người lính đã ngã xuống trong quá trình tiếp đạn dược, lương thực cho bộ đội bảo vệ đảo.

Ca sĩ Saka Trương Tuyền

Ca sĩ Saka Trương Tuyền

— 21 Tháng Năm 2017

Ngoại hình dễ thương cùng với chất giọng khỏe và biểu cảm, Saka Trương Tuyền gây được ấn tượng với cư dân mạng nhờ ca khúc Yêu đơn phương. Cũng nhờ bản hit này mà Saka được fan trên mạng bầu chọn là ca sĩ trẻ triển vọng 2011.

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

Hòa thượng Thích Trí Tâm, tấm gương gắn đạo với đời

— 21 Tháng Năm 2017

Năm 1965, tại thành phố Kyoto , có một lưu học viên Việt Nam học tại trường Đại học Bukkyo. Đó là Hòa thượng Thích Trí Tâm, được Hòa thượng Enamisoken bảo lãnh sang học Cử nhân Văn học Nhật Bản. Được sống ở một đất nước công nghiệp phát triển, đi được nhiều nơi, thấy người dân Nhật Bản làm ăn giàu có, thầy mong sớm hoàn thành chương trình học để trở về Tổ quốc, giúp đỡ các tăng ni, Phật tử và nhân dân.