Nhạc sĩ Trương Đình Quang: "Tai nghe trống chiến, trống chầu..."

22:01 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 2089

Có một thời, những thanh âm giục giã của trống chiến, trống chầu hát bội đã khiến người miền Trung “mất ăn mất ngủ” như thế.

“Ở tuổi thơ, coi hát bộ (hoặc còn gọi là hát bội, ngày nay gọi là tuồng), lũ con nít chúng tôi sợ lớp Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu, nhưng thương vị tướng họ Khương kiên trung này đã biến thành ngọn lửa, đưa đường cho bọn Đổng Kim Lân, bà Thứ phi và Ấu chúa vượt đèo; ít thích những lớp đào thương than khóc, níu kéo chồng (Công chúa Trại Ba với Tống Địch Thanh), chỉ ưng những lớp đào chiến (Đào Tam Xuân loạn trào, Mộc Quế Anh dâng cây…), lớp quân canh, hề...”.

Cuốn sách được mở đầu bình dị như câu chuyện vốn có và bình dị như chính tác giả-người nhạc sĩ nặng lòng với âm nhạc truyền thống xứ Quảng. Ông tâm sự: “Từ khi ra Hà Nội theo học Nhạc viện, tôi đã ấp ủ ý tưởng viết cuốn sách, mà nói đúng hơn, không chỉ đến khi ra Hà Nội mà trước đó, sau đó và cả bây giờ, ký ức tuổi thơ về không khí những đêm cả làng “đâm đầu” đi xem hát bội ở quê tôi cứ thôi thúc khiến mình không thể không viết…”. Thế nên, khi chúng tôi hỏi về toàn bộ thời gian tác giả dành cho cuốn sách thì ông lắc đầu: “Khó nói lắm, sách tập hợp những bài viết nhỏ được viết mọi lúc mọi nơi, viết bất kỳ lúc nào muốn viết và có thể viết, tất cả hoàn toàn tự nhiên… dễ phải đến ba bốn chục năm đấy!”.

Bên cạnh phần đầu đậm chất thơ, ngập tràn cảm xúc với những hồi ức tuổi thơ sôi nổi về “trái thị và ông làng”, về những ngày “đội lá mít, cưỡi ngựa tàu cau” đi xem hát bội…, giá trị của “Tai nghe trống chiến, trống chầu” được ghi nhận bởi những kiến thức về dàn nhạc, về trống chiến, trống chầu, các làn điệu chính, các loại hơi, luyến láy; về hóa trang, kẻ mặt; về xe hồng, xe loan, hia (giày), ngựa… đầy tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu độc đáo trong hát bội. Điều đáng quý là trong tập sách, tác giả đặc biệt chú ý những chi tiết khẳng định nét riêng của hát bội Việt Nam so với kinh kịch Trung Quốc, chẳng hạn “Diễn viên hát bội không đeo mặt nạ, trong nhân vật của mình, họ là họa sĩ, theo cổ truyền, họ tự vẽ mặt, kẻ mặt…”. Các cứ liệu, suy luận uyên bác về hát bội được đan xen và làm rõ bởi các dẫn chứng sinh động là các bộ tuồng, các đoạn trích hát bội tiêu biểu khiến tập sách dù nói về một loại hình nghệ thuật bác học, nhưng lại không tạo cảm giác nặng nề, khuôn sáo.

Phần cuối là những tham luận, bài viết ghi lại những đánh giá khách quan của các tác giả trong nước và ngoài nước về hát bội xứ Quảng, về những phương hướng, biện pháp nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này… Cầm trên tay tập bản thảo dày cộm với những ghi chép, chú thích, bình luận tỉ mỉ của tác giả đã qua cái tuổi “cổ lai hy” người đọc sẽ biết xúc động và cảm phục một tấm lòng. Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy (tên thật Vũ Hân) - một trong những người đầu tiên được xem bản thảo trân trọng: “Đọc cuốn sách, phải những ai đã từng sống qua cái thời mà nhà nhà, người người đi xem hát bội mới hiểu hết giá trị của nó. Không một dẫn chứng, không một tài liệu, bài nghiên cứu nào về hát bội bị bỏ sót, cùng với những trải nghiệm sâu đậm của tuổi thơ, những xúc động thành thực… đã làm nên giá trị thực của “Tai nghe trống chiến, trống chầu”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bên cạnh sự hồ hởi, hăng say nói về “đứa con tinh thần” của mình, tác giả cuốn sách mới về hát bội không giấu giếm nỗi băn khoăn, lo lắng về tương lai của loại hình nghệ thuật đặc trưng của người miền Trung này. Tại sao Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca trù, Hát xoan lần lượt được công nhận là di sản phi vật thể của thế giới, còn hát bội (tuồng) - một loại hình sân khấu rường cột của dân tộc lại không? Dù ông không nói ra kiểu “phân bì” như thế, nhưng tôi đọc được trong ánh mắt người nhạc sĩ già cả một niềm khát khao cháy bỏng-không cầu danh, cầu lợi cho mình, ông chỉ muốn hát bội xứ Quảng quê ông được sống như nó đã từng.

 

 

Nhạc sĩ Trương Đình Quang (ảnh) . Ông được biết đến như một nhạc sĩ chuyên nghiên cứu về âm nhạc truyền thống xứ Quảng với nhiều tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi như: Tìm hiểu giao hưởng và dàn nhạc giao hưởng (NXB Âm nhạc, 1962); Dân ca miền Nam Trung Bộ (tập 1, tập 2, viết chung cùng Xuân Diệu, Trần Việt Ngữ, NXB Văn hóa, 1962); Men rượu hồng đào (NXB Đà Nẵng, 2007); Tuồng hát bộ Quảng Nam (viết chung với Hoàng Châu Ký, NXB Đà Nẵng)...

 


Theo Báo Đà Nẵng

Những tin cũ hơn

Thủ khoa ngành Triết học năm 2011 Trương Thị Quỳnh Hoa, niềm tự hào của Họ Trương thôn Tảo Khê

Thủ khoa ngành Triết học năm 2011 Trương Thị Quỳnh Hoa, niềm tự hào của Họ Trương thôn Tảo Khê

— 21 Tháng Năm 2017

Hầu hết những người tham dự Lễ cấp giấy chứng nhận cho các Thủ khoa năm 2011 tại Hà Nội vừa qua đều tấm tắc khen ngợi và thán phục cô Tân Cử nhân ngành Triết học, cựu sinh viên Khoa Triết, Trường Đại học Khoa học Xã hội- Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trương Đình Khâm sáng kiến từ trong lao động

Trương Đình Khâm sáng kiến từ trong lao động

— 21 Tháng Năm 2017

Là một đảng viên trẻ có bậc thợ 5/7 - Trương Đình Khâm - được điều động về tăng cường cho tổ trực điện Hoài Ân trong những ngày cao điểm cải tạo lưới điện, sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại địa phương. Tổ chỉ có 6 người - do Hồ Hải Hoan làm tổ trưởng, ngoài việc đảm nhận khối lượng công việc quản lý và kinh doanh điện năng trên địa bàn cả huyện Hoài Ân, địa bàn xa nhất là các xã người dân tộc Ba Na, Hơ rê: Gồm xã Đắc Man, Bok Tới cách thị trấn đến 25-30 cây số đường núi: Ghi chữ điện, phát quang hành lang tuyến, sửa chữa lưới điện khi bị sự cố…là những việc làm thường xuyên của tổ. Nhưng trong những đợt tập trung cải tạo lưới, tháo, lắp xà thay dây, trưa mới về - anh em nhễ nhại mồ hôi, cả tổ đều… “đắng miệng”, nhiều hộp cơm còn thừa quá nửa.

Những nhà Khoa bảng họ Trương ở Hải Dương từ 1075 - 1919

Những nhà Khoa bảng họ Trương ở Hải Dương từ 1075 - 1919

— 21 Tháng Năm 2017

Trong sách Tiến sỹ Nho học Hải Dương do Tăng Bá Hoành Chủ biên cùng các đồng tác giả Nguyễn Huy Thiêm, Nguyễn Thị Quế, Hà Trí biên soạn năm 1999 liệt kê 637 vị đỗ đại khoa của Hải Dương từ năm 1075 đến năm 1919, theo đó có 5 người họ Trương.

Trương Phu Duyệt (1476 - ?)

Trương Phu Duyệt (1476 - ?)

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Phu Duyệt, Người xã Kim Đâu, Huyện Thanh Miện (nay là thôn Kim Trang, xã Lam Sơn, Huyện Thanh Miện, Tỉnh Hải Dương. Năm 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh năm thứ nhất (1505). Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại

Người làm thuê số 1 của hợp tác xã

Người làm thuê số 1 của hợp tác xã

— 21 Tháng Năm 2017

Quả không ngoa khi nói rằng Trương Văn Tem là con người cả xả thân vì thành bại của loại hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Vì nó anh đã phải đi tù oan, vì nó anh đã biến một đơn vị đứng bên bờ vực giải thể trở thành một HTX điển hình tiên tiến toàn quốc. Và cũng nhờ sự thành công đó, anh được bầu vào HĐND tỉnh Long An.