Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu

21:50 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 1139

Từ năm 1941 đến 1946, làm Giám đốc Văn chương NXB Hàn Thuyên. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…Sau hiệp định Genève 1954, ông dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong chức danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường…

       Biết bao lần tôi lang thang dọc bờ đê sông Hồng rồi tha thẩn quanh làng Bồ Đề để tự vấn mình: liệu có sự sắp đặt sẵn của tạo hoá hay không mà tên ngôi làng ven đê lại gần với cõi Phật: Bồ Đề. Dưới cái se se lạnh đầu đông trong lòng tôi lại dội lên câu đồng dao xưa: “Nhong! Nhong! Nhong! ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”. Ngược lên phía Bắc rồi đứng lại trên cây cầu Long Biên có tuổi đời hơn một thế kỷ, giữa thinh không của gió nước, mây trời, phảng phất một cảm giác tiếc nuối trong tôi về người con của làng Bồ Đề mà nếu còn sống, năm nay ông tròn 95 tuổi: GS Trương Tửu. 

 

I. CHIẾN SĨ TIÊN PHONG

Tuổi trẻ sôi động, khát khao Dân chủ đã lôi cuốn cậu học trò Trương Tửu theo không khí sục sôi yêu nước đòi thả cụ Sào Nam Phan Bội Châu, để tang cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đang học năm cuối cùng ở trường Tiểu học Hàng Than, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bài thơ Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc “…Vạch trời thét một tiếng vang/ Cho thân tan với giang san nước nhà…”, Trương Tửu tham gia rải truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khoá. Ngay lập tức cậu học trò 15 tuổi bị đuổi khỏi trường. Đây là lần đầu tiên cánh cửa cuộc đời đóng sập trước mắt Trương Tửu. Không chịu lùi bước, bằng quyết tâm tự học, ông tiếp tục học xong Tiểu học và Trung học ở trường tư thục đầu tiên của Hà Nội mang tên Trương Minh Sang chỉ trong hai năm. Tại đây ông học cùng hai người bạn khác là Lê Sỹ Quý mà về sau trở thành nhà báo, nhà văn Thiếu Sơn (1908 – 1978) và Hoàng Tích Chù (1912 – 2003) danh họa tương lai hàng đầu Việt Nam. Rồi Trương Tửu thi đỗ vào trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng học nghề thợ tiện (tourneur) với mục đích đã định sẵn rằng “phải có một nghề tinh thông để tự lập về kinh tế”. Sau này, khi ôn lại kỷ niệm về Trương Tửu trong tập hồi ký “Văn thi sĩ tiền chiến” Nguyễn Vỹ  đã đánh giá Trương Tửu luôn giữ cho mình một tinh thần máy móc cứng rắn, lý luận đanh thép, câu văn như búa như kềm, lời nói vang như tiếng đập sắt trên đe… 

Nhưng rồi lần thứ hai cánh cửa cuộc đời đóng sập lại đối với người thanh niên khi 18 tuổi. Vì tham gia phong trào đòi dân chủ, vận động anh em cùng trường Kỹ nghệ bãi khoá, phản đối Ban Giám đốc bỏ các môn lý thuyết về kỹ thuật nên Trương Tửu bị đuổi học. Một lần nữa, bằng quyết tâm tự học thật kiên trì, mãnh liệt đến dữ dội, Trương Tửu học xong Trung học. Theo thời gian, vốn tri thức dày dặn thêm thành tầng thành vỉa, tên tuổi Trương Tửu được khẳng định trên văn đàn. Khi đã khẳng định được tên tuổi, ông vừa dạy học, vừa viết báo, vừa nghiên cứu văn học, rồi chuyển sang hoạt động chính trị trong không khí cởi mở của Mặt trận dân chủ sau thắng lợi của phong trào Bình dân. Trương Tửu tham gia Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ (1937) và được bầu vào Thư ký đoàn ngồi bên cạnh Chủ tịch Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Trần Huy Liệu là hai chiến sĩ Cộng sản uy danh lúc bấy giờ. 

Năm sau, khi đang làm chủ bút tuần báo Quốc gia khuynh tả đả kích việc ông hoàng Bảo Đại vận động tranh cử nên Trương Tửu cùng hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung bị triều đình Huế, Nghị viện Bắc Kỳ truy tố trước toà án Hà Nội. Trương Tửu bị kết án và chịu xử phạt. Nhờ phong trào Bình dân thắng thế nên ông được ân xá. Vì lý do chính trị, ngay chính tác phẩm của ông cũng bị thu hồi. Tác giả bị treo bút, cái tên Trương Tửu bị cấm xuất hiện trên văn đàn. Một lần nữa cánh cửa cuộc đời đóng sập trước mắt ông.  

Goethe đã nói, tính cách hình thành trong bão táp, trí tuệ hình thành trong yên tĩnh. Trương Tửu là văn nhân nhập thế rất vất vả vì tư tưởng dân chủ của mình. Hai mươi năm sau, vẫn phong cách cương trực, dám đấu tranh cho lẽ phải, cho cái mới, cho chân lý, GS Trương Tửu đã phải trả giá đắt đối với cuộc đời của chính mình khi ông viết một số bài trên các tập  “Giai phẩm” phát biểu quan điểm về văn nghệ và chính trị cùng giới lãnh đạo văn nghệ với một động cơ mà theo ông là hoàn toàn trong sáng, mong muốn đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày một dân chủ và tự do hơn. Người đương thời đã gọi ông là người bị “thất sủng” bị gạt ra “ngoài lề” đời sống văn học vì nhận thức ấu trĩ của một thời...  

Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ vững một niềm tin. Khi viết thư tâm sự với con trai là Trương Quốc Tùng đang đi học tại CHDC Đức, ông gửi gắm bao điều tâm huyết: “Bố rất buồn vì dù sao cũng đã đem lại cho con những điều đau khổ, có lẽ giờ đây còn nhiều điều con chưa thể hiểu, đặc biệt trong hoàn cảnh xa quê hương, chỉ có một điều bố muốn nói với con bằng cả tấm lòng của người cha: những điều bố cùng các đồng nghiệp giáo sư đại học kiến nghị với Đảng với Nhà nước về tự do dân chủ, về phát triển kinh tế, về lãnh đạo văn nghệ, về phát triển khoa học… có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng với động cơ hoàn toàn trong sáng, chính trực với mong muốn đất nước ta ngày một phát triển, xã hội ta ngày một dân chủ và tự do hơn, chế độ ta ngày một vững bền… Vì chân lý và lẽ phải, bố không sợ cường quyền, con hãy chờ, lịch sử sẽ chứng minh điều đó…”

 

II.  ĐÃ MANG LẤY NGHIỆP VÀO THÂN…

        Tác phẩm đầu tay gắn bó với cả cuộc đời của GS Trương Tửu là “Triết lý Truyện Kiều” (đăng Đông Tây tuần báo năm 1931). Sau đó ông viết ba chuyên khảo rất bề thế, một con số kỷ lục của giới khoa học nghiên cứu về kiệt tác hàng đầu trong nền văn học Việt Nam của đại thi hào Nguyễn Du: “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1941), “Văn chương Truyện Kiều” (1944), “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du” (1956). Rằm tháng Giêng năm Mậu Dần (1998) khi mắt đã mờ, GS Trương Tửu vẫn ấp ủ “3 tác phẩm sẽ viết” trong đó vị trí thứ 2 là: “Tôi đã học được những gì trong truyện Kiều” dù có biết bao lời khen chê trước đó. Nhưng “sách còn để mở” mà người đã “tay dừng giữa trang”.  

        Đến đây người viết bài này cảm thấy rất tâm đắc với tác giả Đỗ Lai Thúy khi nhận định về nhà nghiên cứu Phan Ngọc. Vì khi đem đối sánh với GS Trương Tửu thấy thật trùng khớp hay nói một cách khác, tác giả Đỗ Lai Thúy nhận định về PGS Phan Ngọc đấy mà cũng là nhận định về GS Trương Tửu đấy: “Có lẽ, sự cực đoan trong khoa học là cần thiết. Nhưng đó phải là sự đi đến tận cùng một luận điểm, một vấn đề. Điều này có thể tạo ra những nhược điểm, thậm chí những sai lầm, nhưng là một thứ “sai lầm khoa học” gõ mạnh vào đầu óc ưa nằm dài của bạn đọc, kích thích sự suy nghĩ đã trở nên cùn mòn, khai khẩu những tiếng nói đối thoại. Dám thử và dám sai còn ngàn lần tốt hơn người sợ sai không dám thử. Cái sai hôm nay sẽ là điều kiện, là tiền đề cho cái đúng hôm mai. Lịch sử khoa học chẳng phải là một hành trình đi từ cái sai này đến cái sai khác hợp lý hơn đó sao?” (1; 373). 

         Từ nhà nghiên cứu, nhà văn, Trương Tửu một mình một thuyền chống sào ngược nước vượt dòng chuyển sang phê bình văn học. Để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ông mang theo nguyên vẹn cả khối tình đối với chuyên ngành này xuống tuyền đài, mọi lời trong cuốn sổ bình xét công và tội của nhân gian xin nhường cho hậu thế đời sau. PGS Phan Ngọc đã đánh giá:“Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa là nhà phê bình duy nhất của Văn học Việt Nam trước 1945. – Tôi viết điều này với ý thức trách nhiệm”. (trích Sổ tang)  

       GS Trương Tửu tâm sự: “Chọn phê bình văn học nhằm thúc giục bản thân luôn luôn dấn thân vào con đường tự học, tiếp cận báo chí, sách vở, tác phẩm trong và ngoài nước để rèn giũa một tư duy nghiên cứu sáng tạo”.

        Phải chăng chính điều này đã giúp ông chinh phục học trò, khiến dù cho hơn nửa thế kỷ đã qua, GS Nguyễn Đình Chú trong một buổi trò chuyện với người viết bài này đã phải thốt lên: 

        “Thầy Trương Tửu lạ lắm, nếu các nhà khoa học khác cùng thời với thầy thường thu thập tài liệu rồi mới khái quát lên thành một nhận định thì thầy Trương Tửu sẵn có năng lực tư duy trong khoa học để tạo ra những luận điểm mới mang tính vấn đề và từ đó có năng lực để tạo ra hệ thống luận cứ để lý giải, chứng minh cho luận điểm đó”… 

Ở tuổi 45, sau 27 năm đeo đuổi sự nghiệp văn chương, để lại 25 đầu sách, nhiều bài báo phê bình, sáng tác, nghiên cứu, mở 3 lớp huấn luyện văn hóa kháng chiến và 5 khóa giảng dạy Đại học, tung hoành ngọn bút, “vẩy bút làm mưa gió” trên văn đàn Việt Nam, cuộc đời GS Trương Tửu bước sang một bước ngoặt mới.  

Hãy làm một phép so sánh khập khiễng, nếu Lỗ Tấn bỏ nghề y để chữa căn bệnh tinh thần cho toàn dân tộc Trung Quốc bằng ngòi bút thì Trương Tửu chuyển ngòi bút sang cây kim châm để tiếp tục mở cánh cửa làm được việc có ích cho đời. Nhà văn Trương Tửu bây giờ trở thành lương y Hoàng Canh địa chỉ tại số nhà 53 Hàng Gà. Hai ông bà đã giành lại sự sống cho biết bao người bình dân. Đến khi ông vào cõi Niết bàn mà: “Người im rồi/ Tên thơm còn động mãi” (Lê Đạt - trích Sổ tang).

 

III. ĐẠO THẦY TRÒ

Những năm cuối thập niên 1980 khi không khí văn nghệ đã cởi mở, lớp học trò trường Đại học Sư phạm văn khoa tốt nghiệp năm 1956 đến mừng thọ thầy. Vừa bước chân vào nhà, đã nghe tiếng GS Trương Tửu hỏi: “Hôm qua tôi vừa nghe đài RFI xong, các anh có nghe không?” Rồi ông kể tóm tắt lại những tin đã nghe qua đài về chính trị, kinh tế, triết học và đặc biệt là đường lối đạo đức. Thầy trò mấy chục năm gặp lại, tuổi 80 mà GS Trương Tửu vẫn chiếm lĩnh cả diễn đàn. Khuôn mặt hồng hào, mái tóc bạc, vẫn phong thái ung dung, vầng trán cao, đôi mắt sáng dưới hàng lông mày rậm và giọng nói vang như chuông rền đầy uy lực át hết đám học trò như ngày nào ông còn đứng trên bục giảng. Ông vừa thuật lại và vừa phân tích về sự suy thoái đạo đức xã hội đã khiến cho những mối quan hệ thiêng liêng nhất như cha con, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí… tất cả đều bị đánh mất. Nghe thầy say sưa như đang hùng biện, những học trò Trịnh Hiệt, Trần Ngọc, Đào Văn Phái, Nguyễn Đức Tiếu, Văn Tâm (nhà giáo, nhà phê bình văn học), Hà Thúc Chỉ (nhà thơ Thúc Hà – tác giả bài thơ Chờ con má nhé được Huy chương vàng Đại hội liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới  lần thứ V tại thủ đô Vacsava, Ba Lan năm 1955) ngồi lắng nghe mê mải.

“Vừa qua, trong mấy chục năm thầy trò xa cách. Xa cách ấy không phải là ngẫu nhiên đâu. Nó nằm trong tình trạng đạo đức chung của xã hội”. Rồi thầy lưu loát kể lại những ngày khó khăn ấy thầy làm gì? Thầy gặp những thử thách như thế nào?... 

Cùng năm, GS Trương Tửu đến dự Lễ kỷ niệm 35 năm tốt nghiệp ra trường của lớp sinh viên trường ĐHSP Văn khoa khóa 1954 – 1957. Gặp lại các bạn đồng nghiệp là GS Nguyễn Lân, GS Nguyễn Mạnh Tường, PGS Phan Ngọc và đông đảo học sinh sau mấy chục năm xa cách, GS Trưng Tửu đã có bài nói chuyện hấp dẫn thu hút học trò. Một phần hay nhất là câu chuyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Học trò ai cũng phấn khởi trước lời kết của thầy: 

“Hôm nay tôi rất là vui… Ban nãy tôi có thấy anh Chú (GS Nguyễn Đình Chú, học trò của thầy Tửu) nói rằng là mong sẽ còn được kỷ niệm 50 năm. Được chứ sao lại không được. Mười lăm năm nữa kỷ niệm năm mươi năm chúng ta lại gặp mặt như thế này”.  

Nhưng thầy Trương Tửu, thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy Nguyễn Lân đều đã không đợi được đến ngày đó. Đầu tháng 11/2007, kỷ niệm tròn nửa thế kỷ tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội (1957 – 2007) những học trò xưa đều đã thành danh sáng nghiệp nay hội ngộ: GS Trần Văn Bính, GS Nguyễn Đình Chú, PGS Đặng Anh Đào, GS Hà Minh Đức, GS Nguyễn Hải Hà, GS Phạm Minh Hạc, PGS Nguyễn Thái Hòa, GS Nguyễn Khắc Phi… Ngày đầu tiên học trò đến thắp hương tưởng niệm các thầy đã vắng bóng: GS Đặng Thai Mai, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Trương Tửu, GS Trần Đức Thảo… GS Hà Minh Đức vẫn xúc động nhớ lại bài Điếu văn GS Trương Tửu do học trò – GS Nguyễn Đình Chú chấp bút và đọc tại tang lễ Thầy. GS Hà Minh Đức muốn gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục đề nghị in bài Điếu văn GS Trương Tửu vào sách để học trò ngày nay khắc ghi truyền thống tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn đã có từ nhiều đời nay (Dù đây là bài điếu viết theo lối cổ văn của mấy ông già – GS Hà Minh Đức dí dỏm – nghe lạc hậu, ngày nay ít ai dùng): 

“Kính lạy hương hồn thầy!

Thầy ơi!

Như thế là Thầy đã đi qua cõi đời này, 87 năm tròn với bao nhiêu vinh quang và cũng với bao nhọc nhằn để hôm nay trở thành người thiên cổ.

Thầy ơi! Chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại, sẽ còn lại. Những vinh quang của Thầy là sẽ còn lại…”  

Mở đầu lời giới thiệu cuốn Trương Tửu – Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nxb. Lao Động 2007), nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh viết: “Nhìn vào danh sách những người được đề nghị tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật gần đây, bỗng thấy tiếc cho Trương Tửu. Nếu ông không buông bút sớm sau cái vụ án văn nghệ mà các nhà viết lịch sử rồi sẽ còn phải lật đi lật lại ấy, và nếu ông tiếp tục sáng tạo!... Giờ đây những tên tuổi như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… và trước nữa là Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh… những người cùng trên “chuyến xe bão táp” với ông đã được khôi phục hoàn toàn, tác phẩm của họ đã được Nhà nước vinh danh và trả về cho nhân dân thì ông vẫn mãi là nhà phê bình tiêu biểu trước Cách mạng…”.  

Biết làm sao đươc khi chính Trương Tửu đã viết trong bài viết đầu tay “Triết lý Truyện Kiều” rằng: “Chỉ có ta là đào tạo được số mệnh ta thôi”

Những gì nhất thời rồi cũng qua đi, những giá trị thật sự sẽ còn mãi. Xin hãy để Thiên Thu định luận.

 Kiều Mai Trang, tiết lập đông năm Đinh Hợi.

 

Trường hợp Trương Tửu (1913-99), rõ ràng ông là một tác gia; các sản phẩm ngôn từ của ông khá nhiều và đa dạng, cho thấy ông là nhà nghiên cứu và nhà phê bình văn học, là tác giả của một số tác phẩm thể truyện; ta còn có thể chứng minh Trương Tửu là một lý thuyết gia về văn hoá học, xã hội học …; mặt khác, ông là người lập ra và chủ trì những cơ quan văn hoá như thư xã Đại Đồng, nhà xuất bản Hàn Thuyên, tạp chí Văn mới, vào những năm 1939-40; những năm 1955-57 ông là một trong số những tác giả chính làm nên hiện tượng Nhân văn – Giai phẩm, một sự kiện đã in một dấu vết không thể tẩy xoá trong lịch sử tư tưởng văn hoá Việt Nam những năm 1950-70; ở phương diện thứ hai này, Trương Tửu là một nhân vật hoạt động văn hoá, cần được sử học nghiên cứu như một nhân vật lịch sử.    

  Về tác gia Trương Tửu, từ cuối những năm 1980, một số tác phẩm của ông đã được đưa vào một số sách sưu tập hoặc hợp tuyển về văn học Việt Nam thế kỷ XX (ví dụ các bộ sách Tổng tập văn học Việt Nam, Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam 1900-1945, v.v…); hai soạn giả Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn đã biên soạn hai sưu tập tác phẩm Trương Tửu: 1/ Nguyễn Bách Khoa: Khoa học văn chương (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu. - H. : Văn hoá Thông tin, 2003. - 538tr; 14x21 cm), 2/ Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, H. : Lao động, 2007. – 1088 tr. ; 16x24 cm). Nhà nghiên cứu văn học LẠI NGUYÊN ÂN

 

Những tin cũ hơn

Cố Hỷ - Những thước phim ghi bằng máu

Cố Hỷ - Những thước phim ghi bằng máu

— 21 Tháng Năm 2017

Trong tập 3 của bộ phim tư liệu Những hình ảnh chưa được công bố về chiến tranh Việt Nam, tác giả bộ phim đã công bố một chi tiết lạ: “Khi tấn công vào tòa đại sứ Mỹ Tết Mậu Thân năm 1968, Quân Giải phóng đã cho cả một đội quay phim đi cùng đặc công để chuẩn bị quay cảnh đại sứ Mỹ đầu hàng - nhưng việc đó đã không xảy ra”.

Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy - Đam mê gìn giữ giá trị văn hóa của tiền nhân

Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy - Đam mê gìn giữ giá trị văn hóa của tiền nhân

— 21 Tháng Năm 2017

Anh Trương Duy Hy, nhà văn, nhà nghiên cứu, là người con của Tộc Trương người làng Minh Hương Hội An. Là một nhà giáo, nhà văn và nhà nghiên cứu mà tên tuổi đã được biết đến ở miền Nam từ trước 1975. Ngoài viết văn, nghiên cứu, nay tuy tuổi đã ngoài 70 anh vẫn đứng ra cáng đáng trách nhiệm của dòng tộc ở quê nhà cùng với nhạc sĩ lão thành Trương Đình Quang. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở đâu đó, trong một hiệu sách hay thậm chí ngoaì đường, vẫn bắt gặp một Trương Duy Hy say sưa với sự nghiệp của mình với những câu chuyện dường như không có điểm dừng...

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

— 21 Tháng Năm 2017

Là con út trong gia đình có 3 anh em, Linh đã có sự say mê sáng tạo từ nhỏ. Được xem trên ti vi cảnh các anh chị sinh viên thi Rôbocon, em đã nung nấu niềm mơ ước của mình là một ngày sẽ được như vậy; từ đó, bắt đầu tìm kiếm, mày mò và sáng tạo ra những “rô bốt” cho riêng mình.

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

— 21 Tháng Năm 2017

Đại úy Trương Văn An, Trưởng Ban cán bộ, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin yêu với mọi người xung quanh.

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

— 21 Tháng Năm 2017

Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011 đã kết thúc tốt đẹp với đêm chung kết xếp hạng được diễn ra tối 30/4. Phát thanh viên (PTV) Trương Thu Hiền đến từ Đài PTTH Hà Tĩnh đã xuất sắc vượt qua 7 thí sinh cùng lọt vào chung kết để giành giải nhất của cuộc thi.