Cố Hỷ - Những thước phim ghi bằng máu

21:50 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 1852

Đây là một bức ảnh thuộc dạng mật hiếm hoi mà ông Cố Hỷ giữ lại được sau gần nửa thế kỷ. Trong ảnh: Cố Hỷ (cầm máy quay phim) đang quay lại cảnh luyện tập của bộ đội thông tin của những đợt đầu tiên sẽ vào chiến trường miền Nam - dạng tuyệt mật thời bấy giờ

Sự thật câu chuyện đó như thế nào? Phóng viên TS đã tìm lại những nhân chứng sống...

Hành trang phóng viên: gấp đôi người lính!

Ngày 19-5-1963, sau 90 ngày đêm luyện tập chuẩn bị đi chiến trường B2, nhà quay phim quân đội Trương Thành Hỷ (anh em thường gọi là “Cố Hỷ”) nhận được mật lệnh: lên đường.

Những năm tháng ấy, việc đi chiến trường B2 là một bí mật tuyệt đối, chính tướng Phạm Văn Trà (thời ấy là trung tướng) có ý kiến và đích thân chính ủy sư đoàn 338 Tô Ký phải đứng ra bảo lãnh cho ông Hỷ đi làm nhiệm vụ biệt phái. Ông thuộc thế hệ điện ảnh bưng biền của nhà quay phim nổi tiếng Khương Mễ.
Ông được giao nhiệm vụ vào gầy dựng cơ sở đầu tiên cho Xưởng phim Quân giải phóng, một xưởng phim chuyên ghi lại những hình ảnh chiến sự, những trận chiến, những sinh hoạt quân đội thời chiến tranh làm tư liệu cho mai sau. Trong 30kg hành trang trên vai ông có một chiếc máy quay phim hiệu AK16 của Cộng hòa dân chủ Đức với đầy đủ phụ tùng, một máy ảnh 24x36 và 3.000m phim 16 li.

Ấy là toàn bộ gia sản ban đầu của điện ảnh quân giải phóng. Nó nặng hơn hành trang của bộ binh đến 15kg và sau ba tháng trời ròng rã, vào tới chiến khu Đ vẫn với 30kg của ngày xuất phát.
Tháng 4-1964, phiên hiệu đơn vị B8C362 được thành lập, ngành điện ảnh quân giải phóng ra đời. Những nhà quay phim thời chiến: Trương Trọng Hỷ, Phạm Tranh, Trường Sơn... là những người đầu tiên. Họ mở lớp đào tạo phóng viên, quay phim với tài sản chỉ có hai máy ảnh, hai máy quay phim và vài cuộn phim tư liệu. Anh em có gì học nấy và cái lo lớn nhất là mai mốt về đơn vị, lỡ có cái máy khác thì làm sao xài được?

Ông Lê Thế Thưởng, phó Phòng tuyên huấn miền, phải động viên: “Về nguyên lý, máy của xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đều giống nhau, chỉ khác nhau cái hình dạng mà thôi, các anh yên tâm”. Sự nhấn mạnh này làm những nhà quay phim chiến trường mới vào nghề thở phào.

Họ bắt đầu đi quay và chính mình không bao giờ được thưởng thức những sản phẩm vừa quay xong. Bởi ngày ấy các phim vừa thực hiện xong là có người bảo vệ đến lẳng lặng thu phim bỏ vào hộp và gửi ra Hà Nội ngay. Thậm chí, có những hội nghị như Đại hội anh hùng quân giải phóng lần 2 năm 1967 bảo vệ không cho quay phim, phải có chỉ huy can thiệp mới được.

Ngay cả đại tướng Nguyễn Chí Thanh - sau khi cho quay hình ảnh ông và đồng chí Hoàng Cầm nghiên cứu chiến dịch Bình Giã - đã nói nửa giỡn nửa thiệt: “Các cậu quay xong gửi cho bảo vệ cục, không khéo họ lột lon đó các cậu à!”. Tất cả đều là tư liệu chiến trường, đều là bí mật quân sự và những nhiệm vụ không thể tiết lộ. Ban đầu nhiều người thắc mắc “làm gì mà ghê thế?”. Nhưng rồi Tết Mậu Thân 1968 đến gần, một nhiệm vụ tối mật cũng đến gần…

Tư thế của người lính

37 năm sau, tại ngôi nhà mình ở ấp Nam Thới, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP.HCM, “Cố Hỷ” - tức nhà quay phim Trương Thành Hỷ - giờ đã là một ông lão 82 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và đầy ký ức.
Ông chỉ tay ra phía trước nhà để tôi hình dung nơi của Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Mậu Thân: “28 tết, đại bản doanh của Xưởng phim Quân giải phóng ở Kà Tum vắng teo vì mọi người đã chia thành sáu đội, mỗi đội ba người, theo chân các trung đoàn I, II, III… vào chiến dịch. Bất thình lình, tôi được đồng chí Bảy Thưởng (Lê Thế Thưởng) gọi lên yêu cầu thành lập ngay một tổ gồm tôi - quay chính, anh Thanh Tịnh - phụ quay và anh Phùng Bất Diệt - nhiếp ảnh, phải hành quân ngay về bộ chỉ huy tiền phương, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: “chuẩn bị quay cảnh đại sứ Bunker đầu hàng !”.

Dự kiến Bunker sẽ bị bắt và dẫn giải về bộ chỉ huy tiền phương để tổ chức ghi hình. Trước khi đi, đồng chí Thưởng dặn: “Chuyện này tôi là người thứ nhất biết và anh là người thứ hai, tuyệt mật, không được cho ai biết!”...

Vẫn câu chuyện của “Cố Hỷ”: Không khí chiến sự đã dồn dập khắp nơi. Từ Bưng Rôn, chúng tôi hành quân tức tốc đến 18g mới tới Bến Cát, sau đó băng đồng qua gặp bộ chỉ huy tiền phương ở Tân Phú Trung nhưng sau đó được lệnh: chuyển ngay về Tân Mỹ. Trên đường đi, toàn bộ phim phải để dành, không được quay bất cứ hình ảnh gì, sinh hoạt anh em trong tổ cũng không thể tiết lộ nhiệm vụ tuyệt mật.
Tối 30 tết chúng tôi ăn Tết Mậu Thân trong một căn nhà lá bỏ trống, chờ tin chiến thắng. Sáng mồng 1 địch bắt đầu phản công, máy bay địch pháo kích vào khu vực Tân Mỹ. Rồi tin như tiếng sét ngang tai: đại sứ Mỹ Bunker đã leo lên trực thăng trốn mất rồi! (Thật ra Bunker lúc đó đang ở một cơ quan khác của Mỹ nằm trên đường Pasteur).

Nhiệm vụ bí mật chưa kịp thực thi thì trong đoàn thương binh chạy trở ra có nhà báo Phú Bằng, người được lệnh đón chờ phỏng vấn Bunker. Chúng tôi được lệnh rút lui. Vậy là tổ quay phim trở thành tổ tải thương. Nhà báo Phú Bằng nằm mê man, phụ quay Thanh Tịnh bị thương chuyển về tuyến sau và hi sinh...
“Anh em bộ binh khi chiến đấu có thể ngắm bắn địch ở nhiều tư thế quì, bò, nằm... hoặc dưới công sự thò đầu lên ngắm bắn. Còn người phóng viên khi quay phim, chụp ảnh ở chiến trường, chỉ có một tư thế đứng thẳng bấm máy. Tư thế này rất dễ bị hi sinh, tôi đề nghị các đồng chí quân đội hỗ trợ, che chắn cho anh em phóng viên”.

Phó Phòng tuyên huấn miền Lê Thế Thưởng đã thông báo khẩn xuống các đơn vị tác chiến ngay sau khi Nguyễn Phú Thạnh, phóng viên chiến trường đầu tiên của quân giải phóng hi sinh khi đang đứng thẳng quay phim. Câu chuyện hi sinh của Nguyễn Phú Thạnh mãi về sau vẫn được anh em nhắc lại như một huyền thoại. Đó là trận Đồng Xoài tháng 12-1964, Thạnh là một trong những người quay phim chính trong hai tổ quay phim bám theo các đơn vị quân giải phóng ở vị trí tiền tiêu.

Lúc công đồn, anh bị thương vào phần mềm, băng bó xong đơn vị cho chuyển về tuyến sau nhưng Thạnh xin ở lại để tiếp tục cầm máy. Khi quân giải phóng đón đánh quân tiếp viện địch trên đường số 2, súng nổ, một số chiến sĩ cầm súng còn chần chừ, Thạnh dõng dạc đứng lên tay cầm máy ảnh và hô “xung phong...”.

Mọi người ào lên... Tay máy, chân chạy ngay giữa hai tầm đạn, cảnh xung phong được quay một cách ngoạn mục nhưng Thạnh lại trúng đạn lần nữa. Anh ngã xuống rồi gượng lên tiếp tục quay. Quay đến khi không còn đứng được nữa người phóng viên mới gục xuống cạnh máy quay. Những thước phim chiến trường với cảnh xung phong tấn công địch trên đường số 2 trở thành di vật cuối cùng của nhà quay phim Nguyễn Phú Thạnh.

Năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn, các đội quay phim chia nhau theo các đơn vị chiến đấu. Phan Đồng Cam, một quay phim trẻ, đề nghị cho anh theo đơn vị đầu tiên bởi anh quyết tâm phải quay cho được điểm rơi của pháo ta khi tới mục tiêu đồn địch. Anh vốn là công nhân hãng dệt, quê ở Quảng Ngãi, vui tính, cởi mở. Chỉ huy tiểu đoàn đồng ý để anh theo đơn vị mở cửa.

Cam vượt lên trước đội hình, ngó quanh và tìm ra một cây cao. Anh trèo lên. Phụ quay của Cam lúc này là Minh - Minh “cà hét”, sợi dây đeo bên người Cam được thòng xuống cho Minh buộc máy quay đưa lên. 5 giờ sáng, loạt pháo đầu tiên rót xuống đúng chi khu Lộc Ninh, Cam nắm chặt máy trong tay, trong ống kính máy anh hiện rõ mồn một những cột khói bung lên, lan tỏa trong lòng chi khu nổi tiếng. Tiếp tục pháo. Tiếp tục quay.

Rồi đột nhiên người Cam giật mạnh và sựng lại: một viên đạn ghim trúng ngực anh, máy quay phim vẫn ghì chặt trong tay, cả người và máy buông từ trên cao xuống. Thước phim cuối cùng rất rõ. Lộc Ninh giải phóng. Những thước phim này được tráng ngay và đưa vào phim Chiến dịch Nguyễn Huệ dài hơn 300 thước. Phim được chiếu cho đồng đội của Cam xem. Còn anh thì chẳng kịp nhìn lại cảnh quay rực sáng của chính mình...


NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

Những tin cũ hơn

Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy - Đam mê gìn giữ giá trị văn hóa của tiền nhân

Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy - Đam mê gìn giữ giá trị văn hóa của tiền nhân

— 21 Tháng Năm 2017

Anh Trương Duy Hy, nhà văn, nhà nghiên cứu, là người con của Tộc Trương người làng Minh Hương Hội An. Là một nhà giáo, nhà văn và nhà nghiên cứu mà tên tuổi đã được biết đến ở miền Nam từ trước 1975. Ngoài viết văn, nghiên cứu, nay tuy tuổi đã ngoài 70 anh vẫn đứng ra cáng đáng trách nhiệm của dòng tộc ở quê nhà cùng với nhạc sĩ lão thành Trương Đình Quang. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở đâu đó, trong một hiệu sách hay thậm chí ngoaì đường, vẫn bắt gặp một Trương Duy Hy say sưa với sự nghiệp của mình với những câu chuyện dường như không có điểm dừng...

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

Trương Hải Linh - Thành công nhờ say mê sáng tạo

— 21 Tháng Năm 2017

Là con út trong gia đình có 3 anh em, Linh đã có sự say mê sáng tạo từ nhỏ. Được xem trên ti vi cảnh các anh chị sinh viên thi Rôbocon, em đã nung nấu niềm mơ ước của mình là một ngày sẽ được như vậy; từ đó, bắt đầu tìm kiếm, mày mò và sáng tạo ra những “rô bốt” cho riêng mình.

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

Đại úy Trương văn An - Chiến sỹ thi đua toàn quân

— 21 Tháng Năm 2017

Đại úy Trương Văn An, Trưởng Ban cán bộ, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo được niềm tin yêu với mọi người xung quanh.

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

Trương Thu Hiền giành giải nhất cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011

— 21 Tháng Năm 2017

Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, cuộc thi Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long lần thứ II năm 2011 đã kết thúc tốt đẹp với đêm chung kết xếp hạng được diễn ra tối 30/4. Phát thanh viên (PTV) Trương Thu Hiền đến từ Đài PTTH Hà Tĩnh đã xuất sắc vượt qua 7 thí sinh cùng lọt vào chung kết để giành giải nhất của cuộc thi.

Trương Trọng Thi - Cha đẻ của máy vi tính

Trương Trọng Thi - Cha đẻ của máy vi tính

— 21 Tháng Năm 2017

André Trương Trọng Thi (1936-2005) là một kỹ sư Pháp gốc Việt. Ông được xem là "cha đẻ của máy vi tính" vì đã tạo ra Micral, máy tính cá nhân không phải công cụ và được thương mại hóa đầu tiên.