Trương Đình Quế - Lão ngoan đồng không tuổi

21:33 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 1069

Khu nhà vườn của lão nằm ngay thác An Viễng, muốn vào phải qua rừng cao su của nông trường An Viễng (xã Bình An, huyện Long Thành, Đồng Nai). Ngôi nhà màu trắng nằm hiền lành bên thác nước. Trong nhà treo rất nhiều tranh của bà vợ - họa sỹ Lưu Thiên Hương. Và rải rác trong vườn là những tác phẩm điêu khắc đầy ấn tượng.

Trương Đình Quế dường như không bao giờ có nỗi buồn, không có thủ đoạn. Là điêu khắc gia có tiếng, nhưng lão không xin xỏ để kiếm những công trình tầm cỡ.

Lão Quế rong chơi ta bà hết chỗ này đến chỗ khác, anh em văn nghệ ai muốn có chút hư danh, muốn lão tạc tượng “lưu lại cho hậu thế”, cứ nhờ lão sẽ làm ngay, bao nhiêu lão cũng làm tất. Mới đây, lão nhận công trình phù điêu cho một biệt thự ở Đà Lạt nghe nói được mấy chục triệu gì đó, nhưng công trình chưa xong lão đã nướng hết hơn nửa rồi, lão nói không chừng lỗ chỏng gọng, lão cười hì hì khi dắt anh em đi nhậu rồi cũng rất hồn nhiên khi ngả mái đầu bạc trắng vào ngực một em gái ngủ ngon lành, sau khi nói một câu hồn nhiên “em cho qua ngủ một chút!!!”.

Ít ai biết Trương Đình Quế đã từng tốt nghiệp xuất sắc ngành Hội họa - Điêu khắc Mỹ thuật Gia Định năm 1963, từng dạy Trường Mỹ thuật Huế, và sau 1975 về dạy lại trường Mỹ thuật Gia Định. Học trò lão có người đã thành ông nọ bà kia, nhưng riêng lão vẫn ngất ngưởng.

Những năm 80, 90, khi ấy anh em văn nghệ Sài Gòn hay tụ lại uống bia ở quán 81 Trần Quốc Thảo, lúc nào thấy Quế xuất hiện là anh em kêu lên “Lão Ngoan Đồng đã đến” - vì lão có một tật dễ thương là khi uống xỉn là lão đọc thơ vi vút dù thơ lão mà đọc là anh em... sợ, và nếu có em gái nào mà lão “kết”, nói theo cách của lão, thì Quế nhà ta hào phóng đến kinh hồn.

Hồi ấy, không biết vì sao lão có nhiều tiền thế, hình như lão hay bán được tranh tượng cho người nước ngoài hoặc Việt kiều - những địa chỉ mà chỉ có lão mới biết. Có cả những người chỉ cần nghe tên Trương Đình Quế là đã ứng tiền ra rồi.


Trương Đình Quế và bức tượng Bùi Giáng.

Quế còn có một cái tật quái chiêu nữa: khi xỉn quắc cần câu là ngủ, không phải trên bàn trên ghế trên giường, mà lão gác hai chiếc ghế nằm ngay trước cửa... toilet, báo hại anh em, muốn giải quyết bầu tâm sự đều phải bước qua bước lại xác lão. Nhưng anh em đều nhè nhẹ bước qua không làm kinh động giấc ngủ của lão, không phải vì ngán sợ gì, mà chỉ vì thấy thương lão mà thôi.

Hồi ấy lão có một chiếc môtô phân khối lớn, tướng tá lão lúc ấy còn phong độ, khi đi rong chơi lão thường hay chở tôi trên chiếc xe kinh khủng đó. Chúng tôi đi chơi khắp nơi, nói thật, tôi thường hay gài độ, dụ dỗ lão. Kết cục những buổi nhậu không tiền khoáng hậu (không có tiền) đó là lão “cắm” lại chiếc xe cho chủ quán và đi xe thồ về nhà.

Sáng sau, lão tỉnh queo nói dối vợ “xe bị Công an giao thông bắt nhốt, em đưa tiền cho anh đóng phạt để lấy xe về”, vậy mà vợ lão cũng tin sái cổ. Viết tới đây, tôi xin ngả mũ bái phục đức hi sinh của vợ mấy tên nghệ sĩ như Trương Đình Quế.Chơi như vậy nhưng công việc và gia đình thực ra lão rất chỉn chu. Ba người con có hai người theo nghề cha mẹ (điêu khắc gia Trương Từ Lâm và họa sỹ Trương Mỵ Na) và đã từng có những cuộc triển lãm chung cả gia đình. Lão vẫn dạy con rằng: “Nghệ sĩ phải có nền tảng học vấn, văn hóa thì mới trở thành nghệ sĩ chân chính được”.

Trong một tấm ảnh đã ngả màu, được chụp sau 1975, thấy Trương Đình Quế, Bùi Giáng và nhà thơ Huy Tưởng ngồi vắt vẻo trên hè đường Bà Lê Chân Tân Định, tấm hình nầy được MPK chụp lại và “phục chế”. Nơi ấy là quán cafê của Huy Tưởng, cũng là nơi la cà của dân văn chương Sài Gòn thất cơ lỡ vận, người thì đi bán ve chai, người đi bán sách, người đạp xích lô, và có một người chuyên môn đi xích lô và ngồi luôn trên xích lô nhậu là thi sĩ Bùi Giáng.

Đây là địa chỉ còn lưu trong ký ức nhiều người thời đó, vì nó qui tụ hầu hết anh tài của miền Nam cũ. Hai người trong tấm ảnh đã ra đi, một là Bùi Giáng đã cỡi thơ về trời, hai là Huy Tưởng nay đã định cư bên Úc, chỉ còn lại lão Ngoan Đồng ở lại. Lão mở ảnh cho tôi xem, tôi thấy trong ánh mắt kia một màn sương đục...

Nếu ai có dịp ghé quán Đất Phương Nam ở Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TPHCM, sẽ nhìn thấy bức tượng bán thân của Bùi Giáng được đặt trang trọng ngay giữa quán, đó chính là tác phẩm của Trương Đình Quế, một bức tượng mà anh em văn nghệ thán phục bởi đã lột hết cái thần của thi sĩ, tượng đúc bằng đồng và lão Quế làm không công, vì như lão nói: thi sĩ Bùi Giáng xứng đáng để lão tạc tượng mà không đòi hỏi chút thù lao nào, lão nói anh em cho vài chầu nhậu là vui rồi. Lão cũng đã từng tạc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một bức tượng lớn, được người đời thán phục.

Tôi với Trương Đình Quế có rất nhiều kỉ niệm, cũng như có quá nhiều kỉ niệm với hầu hết anh em văn nghệ Sài Gòn, cái thời mà ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau lu bù dù không có tiền, nói theo kiểu Bùi Giáng là “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/đi lên đi xuống đã đời... du côn”.

Đó là những Cung Tích Biền, họa sĩ Rừng, Nguyễn Quốc Chánh, Đoàn Thạch Biền (Nguyễn Thanh Trịnh), Bùi Chí Vinh, Phù Hư, Nguyễn Tôn Nhan, Đoàn Vị Thượng và nhiều nhiều người khác. Thời gian trôi qua như một giấc mơ, kẻ còn người mất, nhưng kỉ niệm anh em thì không bao giờ mất đi. Trương Đình Quế cũng là một người của một thời, thời chúng tôi đã sống như thế, một thời mà không phải ai cũng có thể sống được, nếu không có một chút lãng mạn, điên điên và ân tình của văn nghệ.

Chúng tôi sống hồn nhiên không toan tính lọc lừa, không mua danh bán chức, chúng tôi còn trụ lại với những hoài vọng văn nghệ của mình cho đến tận ngày hôm nay. Và Trương Đình Quế mãi là một người như vậy, lão không bao giờ làm những tượng đài không nghệ thuật, những thứ vô vị, lão thà rong chơi để rồi làm những thứ lão thích và trân trọng.

Tôi lại mới nhận tin, người ta lại thấy Trương Đình Quế đang lang thang trên phố núi mù sương Đà Lạt, lên đó lão lại chơi với Phước Khùng và đám bạn văn nghệ sĩ và lại làm tượng hay phù điêu. Lão làm những thứ không hoành tráng và không nghiêm trọng- như cách nói của lão, nhưng chắc chắn là đầy cảm xúc và tinh tế.


====================
Trương Đình Quế tốt nghiệp xuất sắc ngành Hội họa Điêu khắc Mỹ thuật Gia Định năm 1963, đã từng dạy Trường Mỹ thuật Huế, Trường Mỹ thuật Gia Định. Ông từng tham dự nhiều trại điêu khắc quốc tế (Công Viên Bách Thảo - Hà Nội năm 1997, An Giang - Châu Đốc năm 2005) và nhiều cuộc triển lãm trong nước.

Những tin cũ hơn

Mười chị em mồ côi vượt khó

Mười chị em mồ côi vượt khó

— 21 Tháng Năm 2017

“Gia tài” cha mẹ để lại chỉ là căn nhà rách nát, mười chị em mồ côi ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) sống cảnh nheo nhóc, nháo nhác như đàn gà con mất mẹ. Trong tận cùng khốn khó, họ đã biết cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời bằng một nghị lực sống phi thường và một ý chí vươn lên mãnh liệt.

Có những mảnh đời ... như thế.

Có những mảnh đời ... như thế.

— 21 Tháng Năm 2017

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng anh vẫn tiếp tục bước đi bằng niềm tin, nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, với nghề bán vé số hằng ngày, anh chỉ có thể đắp đổi cơm ngày hai bữa, vì thế, ước mơ về một mái nhà che mưa, che nắng với anh trở nên thật xa xôi.

Người bỏ phố lên rừng xây tượng

Người bỏ phố lên rừng xây tượng

— 21 Tháng Năm 2017

Hàng ngàn tấn xi-măng, sắt thép, vôi vữa được vận chuyển thủ công lên núi để tạc tượng. Tuy nhiên, cát xây dựng lại được lấy ngay trên núi.

Cụ Trương Công Giang - 26 năm tìm kiếm và kết nối Họ Trương

Cụ Trương Công Giang - 26 năm tìm kiếm và kết nối Họ Trương

— 21 Tháng Năm 2017

Người viết bài này có dịp được hầu chuyện Cụ Trương Công Giang tại nhà riêng của cụ ở Thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, Huyện Thanh Liêm, Tỉnh Hà Nam. Cùng được cụ tiếp chuyện còn có Ông Trương Văn Hộ 78 tuổi, Trưởng Chi Họ Trương thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, Bình Lục, Hà Nam và Anh Trương Quốc Chính - thành viên Quản trị Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam.

Trương Thanh Hằng giành HCV tại giải Vô địch châu Á

Trương Thanh Hằng giành HCV tại giải Vô địch châu Á

— 21 Tháng Năm 2017

Vào lúc 13 giờ 5 phút chiều nay, 10.7, vận động viên Trương Thanh Hằng đã lập nên kỳ tích chói lọi cho điền kinh Việt Nam (VN) bằng tấm huy chương vàng (HCV) ở cự ly 800m tại giải Vô địch châu Á diễn ra ở Kobe, Nhật Bản.