"Nhà thơ đứng" thành đạt

21:34 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 1501

Về vùng biển làng Trắp, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, không ai là không biết đến "nhà thơ đứng" Trương Quang Thứ. Trải qua bao năm tháng "gió dập sóng dồi", ông đã có được những vần thơ "tình đời thiết tha" cùng một mái ấm trọn vẹn.

Tôi ghé thăm "nhà thơ đứng" Trương Quang Thứ vào một sáng chủ nhật đầu tháng 3. Giữa vùng đất gió cát và cuộc sống của người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển lại có một nhà thơ, đối với những người nơi đây, đó là một niềm tự hào.

Trương Quang Thứ sinh năm 1951 trong một gia đình nông dân nghèo có tới 11 anh chị em nhưng một người đã hy sinh và ba người khác chết vì bệnh tật hiểm nghèo. Hồi học phổ thông, cậu bé Thứ luôn là học sinh giỏi toàn diện, có năng khiếu làm thơ, được đăng nhiều trên Báo Thiếu niên tiền phong. Tương lai của Thứ sẽ vô cùng rộng mở nếu không có một ngày, mảnh bom găm vào chân. "Thuốc thang ít, không kịp chữa trị nên vết thương nhiễm trùng rồi sinh ra bệnh khớp và biến chứng, dẫn đến cột sống bị liệt. Lúc đó tôi vừa hai mươi, đầy mơ ước nhưng như bị cắt đứt mọi hy vọng".

Ông đành sống quay quắt với đôi chân tật nguyền. Nằm liệt giường, ông rất bi quan, mặc cảm, chán chường, thậm chí có lúc ông định tìm đến cái chết vì bệnh tật hành hạ cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng được gia đình động viên, chợt nghĩ đến nhân vật Paven trong "Thép đã tôi thế đấy", ông đã tự đứng lên. "Cả đời tui không dám nghĩ khỏi bệnh nhưng nằm một chỗ thì hoài phí, vô nghĩa. Như có một cái gì đó thôi thúc tôi tiếp tục cầm bút làm thơ".

Thơ ông giản dị, trong sáng, tươi trẻ nên được nhiều người mến mộ. Trong một lần chữa bệnh ở Bệnh viện Bắc Giang, tình cờ ông quen một cô gái người Kinh Bắc vào thăm người bệnh, cũng vì mến mộ thơ ông mà người con gái ấy đã bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình để về làm vợ ông và chấp nhận cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.

Ông nhớ lại: "Ngày ấy gia đình khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên hai vợ chồng rất vất vả. Vợ đi làm hợp tác xã nông nghiệp, chồng ở nhà chăm bón vườn tược. Do không cúi được nên tôi phải chế ra những cái gàu múc nước, cái cán cuốc dài để thuận tiện cho việc cuốc xới, tưới tiêu khu vườn". Ngày làm vườn, đêm sáng tác văn chương. Hễ có thời gian, có cảm hứng, ông đều có thể làm thơ mọi lúc, mọi nơi. Nhọc nhằn, thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng ông vẫn luôn động viên, bảo ban nhau nuôi con khôn lớn.
Mỗi khi nói về cuộc đời mình, ông không quên những hi sinh, lam lũ của người vợ. Với ông, bà là điểm tựa, là bờ vai, là nguồn động viên để giúp ông vượt qua tất cả những đau đớn, những nhọc nhằn. Không có bà ấy, chắc bố con ông không thể có được ngày hôm nay.

Tuy không được đào tạo qua chuyên nghiệp nhưng đã xem văn chương là cái nghiệp nên ông xem đó là trách nhiệm, là một nghề. Do đó, ông luôn luôn có trách nhiệm với từng bài viết, với độc giả, với văn chương. "Gô gôn nói: Nhiều khi phải cưỡng bức cho mình viết. Tức là luôn luôn nghĩ đến một cái gì đó của cuộc sống từ bản thân, xã hội. Thông điệp mang giá trị nhân văn, không dám nói là sáng tạo nhưng đó là cách nhìn để đi đến Chân-Thiện-Mỹ. Văn chương là niềm tin, là điểm tựa cho mình thông qua đó để mình có thể làm được điều gì đó có ích cho gia đình và xã hội".

Với những đóng góp của mình, ông đã trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1992. Từ khi vào hội, ông có thêm nhiều cơ hội trao đổi nghiệp bút, được hội đầu tư thêm kinh phí để sáng tác những tác phẩm có quy mô. Hiện tại, ông là Trưởng ban Biên tập Tạp chí Sông Mai (tạp chí của Hội VHNT huyện Quỳnh Lưu). Không thể ngồi được nên ông thường nằm và đứng để sáng tác thơ, viết báo. Chiếc rương xi măng đựng thóc cũ kỹ ở căn nhà cũ là nơi ông thường đứng để cho đời những trang thơ đầy trữ tình, trong sáng, những bài báo đầy trăn trở, suy tư.

Hơn 30 năm cầm bút, Trương Quang Thứ đã có 3 tập thơ in riêng, 3 tập in chung và hàng trăm bài đăng báo. Ông cũng gặt hái được một số giải thưởng: Giải nhì Hội Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh 1991; giải 3 Báo Nhi đồng năm 1994; giải B Báo Nghệ An năm 1996; giải B Tạp chí Sông Lam 1998; giải khuyến khích Báo Thiếu niên tiền phong năm 2000, giải thưởng Văn học Hồ Xuân Hương 2005,...


Trương Quang thứ- Người 30 năm đứng viết


Đã qua tuổi 60, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là tất cả 3 người con trai đều đã đỗ đạt và có công việc ổn định. Người con đầu Trương Quang Văn đã tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội, hiện đang là giáo viên Trường THPT Hoàng Mai; người con trai thứ Trương Quang Chương đã tốt nghiệp Học viện Quân sự, đang công tác ở Bộ Tư lệnh Thông tin; con trai út Trương Quang Phương tốt nghiệp Đại học Thủy sản Vinh, đang làm việc ở Đồng Nai. Hai cô con dâu lớn của ông Thứ đang làm việc ở Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập.

Tiễn tôi ra cổng, "nhà thơ đứng" bộc bạch: "Nếu không có văn chương, người tật nguyền như tôi chết lâu rồi. May sao tôi còn lấy được vợ, sinh con và nuôi chúng thành đạt, dựng được ngôi nhà tươm tất thế này. Văn chương đã cứu sống đời tôi!"

Những tin cũ hơn

Trương Đình Quế - Lão ngoan đồng không tuổi

Trương Đình Quế - Lão ngoan đồng không tuổi

— 21 Tháng Năm 2017

Những cuộc rong chơi dường như không bao giờ dừng lại với Trương Đình Quế, mới thấy ở Sài Gòn đã lại thấy bóng dáng của điêu khắc gia này ở Đà Lạt, mới ở Đà Lạt lại thấy lão ngoan đồng đang ở trại của mình ở Đồng Nai, nơi lão hay mời mọc anh em về chơi với lời nài nỉ “xuống chơi đi, nhớ dắt theo người yêu, xuống mà tắm tiên, bảo đảm tau không có nhìn đâu” - Nói xong lão cười he he, với cái nhìn hấp háy hồn nhiên.

Mười chị em mồ côi vượt khó

Mười chị em mồ côi vượt khó

— 21 Tháng Năm 2017

“Gia tài” cha mẹ để lại chỉ là căn nhà rách nát, mười chị em mồ côi ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) sống cảnh nheo nhóc, nháo nhác như đàn gà con mất mẹ. Trong tận cùng khốn khó, họ đã biết cùng nhau vượt qua nghịch cảnh của cuộc đời bằng một nghị lực sống phi thường và một ý chí vươn lên mãnh liệt.

Có những mảnh đời ... như thế.

Có những mảnh đời ... như thế.

— 21 Tháng Năm 2017

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng anh vẫn tiếp tục bước đi bằng niềm tin, nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, với nghề bán vé số hằng ngày, anh chỉ có thể đắp đổi cơm ngày hai bữa, vì thế, ước mơ về một mái nhà che mưa, che nắng với anh trở nên thật xa xôi.

Người bỏ phố lên rừng xây tượng

Người bỏ phố lên rừng xây tượng

— 21 Tháng Năm 2017

Hàng ngàn tấn xi-măng, sắt thép, vôi vữa được vận chuyển thủ công lên núi để tạc tượng. Tuy nhiên, cát xây dựng lại được lấy ngay trên núi.

Cụ Trương Công Giang - 26 năm tìm kiếm và kết nối Họ Trương

Cụ Trương Công Giang - 26 năm tìm kiếm và kết nối Họ Trương

— 21 Tháng Năm 2017

Người viết bài này có dịp được hầu chuyện Cụ Trương Công Giang tại nhà riêng của cụ ở Thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm, Huyện Thanh Liêm, Tỉnh Hà Nam. Cùng được cụ tiếp chuyện còn có Ông Trương Văn Hộ 78 tuổi, Trưởng Chi Họ Trương thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, Bình Lục, Hà Nam và Anh Trương Quốc Chính - thành viên Quản trị Cổng thông tin điện tử Họ Trương Việt Nam.