TRUONGTOC.VN - Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam “nhà thờ họ là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ.Cùng với gốc đa, giếng nước, sân đình, những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam, cội rễ với đa phần người Việt còn là sự gắn kết và tiếp nối của bao thế hệ qua những bộ gia phả, những nhà thờ họ...”
Từng tộc họ đến lễ đình làng ở Thanh Quýt, Quang Nam
Gia phả và nhà thờ tộc họ luôn gắn liền nhau, kết nối dòng dõi từ những vị tiền hiền đến con cháu đời sau... Có nhà nghiên cứu cho rằng “nhà có phả cũng như nước có sử, phả nhà để ghi chép thế thứ các đời theo hệ thống huyết mạch, trên dưới...”.Giáo sư Trần Văn Giàu đi vào khía cạnh giáo dục đã tổng kết : “Xưa nay ông bà ta luôn luôn cho rằng để giáo dục con cháu không gì hay hơn dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình. Đạo đức, nhân cách con người Việt Nam xuất phát từ những lời giáo huấn của các vị thánh hiền, các lời dạy dỗ của tổ tiên được đúc kết trong các bộ gia phả lưu truyền qua nhiều đời, như là gương mẫu đối nhân xử thế trong cuộc sống...”
Nhiều năm sau chiến tranh, nhà thờ tộc họ đã được nhân dân đóng góp phục hồi, xây dựng lại cũng vì lẽ đó. Đó không chỉ là nơi lưu giữ gia phả, các văn tự cổ của người xưa cùng những sắc phong từ thời phong kiến, các tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ hay những di vật của tổ tiên mà còn lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử của cả dân tộc. Điều này rất quan trọng đối với nhiều nhà nghiên cứu bởi lắm trường hợp chính sử không còn dấu vết liên quan ...
*Vài sắc thái sinh động của nhà thờ tộc họ
Được xây dựng vào năm 1840 dưới triều Nguyễn, đến nay nhà thờ tộc Trương ở Hội An hiện vẫn lưu giữ nhiều bảo vật. Được xem những tài liệu quý ở đây, ta có được thông tin khá cụ thể cách đây tròn 170 năm khi cụ tổ thứ 3 của tộc này chính thức đặt viên đá móng đầu tiên (lúc 5 giờ sáng ngày mồng 5 tháng 10 năm Canh Tý, tức ngày 28.11.1840) đã được khắc ngay trên cây trùng lương ở gian chính. Trang trí trong nhà thờ còn cho thấy những thông tin qúy hiếm về một tộc họ, như câu đối của cụ tổ thứ 3 là Trương Chí Cẩn với 18 chữ “Mậu thừa chí đồng hoài đình duy bách thế/Hiếu hữu truyền hậu tự phái diễn vạn niên”. Theo lời kể, ngoài ý nghĩa giáo huấn, cụ đã viết câu đối này để con cháu các đời (dự kiến 18 đời) dùng làm chữ lót, mỗi đời một chữ để phân biệt thứ lớp, kỷ cương. Ba chữ Mậu, Thừa, Chí đã có sẳn trong tên của hai cụ tổ đầu và của chính cụ là Chí Cẩn. Đến nay đã đến đời thứ 10, con cháu tộc Trương ở Hội An vẫn tiếp tục đặt các chữ lót theo thứ tự câu đối trên. Cụ tổ thứ 4 là Trương Đồng Hiệp – Huấn đạo Quảng Nam (chức quan coi về giáo dục) dưới triều vua Thành Thái. Họa sĩ Trương Bách Tường với chữ lót của là Bách thì con cháu biết ngay ông thuộc đời thứ 8 để có cách xưng hô cho đúng...Năm 2004, nhà thờ tộc Trương cùng 5 ngôi nhà cổ khác trên toàn quốc được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương trao tặng Giải thưởng Công trạng (Award of merit).
Ở Hội An còn có một di tích được xếp hạng là nhà thờ tộc Nguyễn Tường liên quan đến gia đình 3 nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam và Hoàng Đạo ở làng Cẩm Phô (phía trên chùa Cầu, đoạn gần Khổng miếu) , còn được gọi là Dinh quan Binh bộ Thượng thư - Nhuận trạch hầu Nguyễn Tường Vân- người có tên ghi trong Đại Nam Liệt truyện triều Nguyễn. Cụ Nguyễn Tường Vân là thân sinh tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ, ông cố của 3 nhà văn trên. Dinh này được xây dựng từ năm 1806, tái tạo năm Duy Tân thứ 3 (1909). Nay đã được trùng tu lại thành nhà thờ tộc Nguyễn Tường. Theo cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, bức hoành “Nguyễn Tường Từ Đường” ở di tích này do Nguyễn Tường Long ( tức nhà văn Hoàng Đạo) cúng dường trong một lần thăm quê Hội An vào đầu thập niên 1930. Cùng với việc đưa hài cốt vợ chồng cố nhà văn Nhất Linh về an táng ở nghĩa trang gia tộc năm 2001, bên cạnh mộ cụ cố Nguyễn Tường Phổ, cách nhà thờ tộc hơn 1 km, đây trở thành một nhà thờ tộc nổi tiếng thu hút nhiều du khách trí thức đến thăm ở phố cổ...
Trong khi đó theo tài liệu của họ Phạm Việt Nam, nhà thờ họ Phạm tại làng Khuôn Phò, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) là một công trình khá đẹp theo kiến trúc truyền thống. Hãnh diện với công trình có giá trị này, chi nhánh họ Phạm ở TP HCM đã tổ chức... cuộc thi ảnh đẹp về công trình. Sau một năm phát động, đã có nhiều tác phẩm do các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp là con cháu trong tộc gởi về. Nhưng một chi tiết khá thú vị về lịch sử khi xem sắc phong của Vua Bảo Đại ban cho ông Phạm Quyền ở làng Ngọc Sơn, tổng Dương An, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, sinh năm 1846 khi được khen thưởng đã thọ 93 tuổi. Ông sống thọ đến 96 tuổi và qua đời năm 1942. Qua sắc phong, ta biết được lúc đó cả nước chỉ có 70 người sống quá tuổi 90!
Nhà thờ tộc Trương tại Diễn Châu mà các ông bà Trương Đình Tuyển và Trương Mỹ Hoa (nguyên Bộ trưởng Thương mại và nguyên Phó chủ tịch nước) là hậu duệ lại cho thấy một khía cạnh độc đáo khác: Một nhà thờ thờ chung hai tộc Trương và Đặng! Theo tôi là chưa từng thấy ở Việt Nam. Gia phả hai tộc cho biết nguyên hai cụ tổ tiền hiền hai họ trên đến Việt Nam khai khẩn đất đai là lấy vợ tại chỗ từ thời nhà Minh. Họ kết nghĩa anh em, rồi định cư, có công lập làng mở cõi và được phong chức tước từ thời nhà Lê, Nguyễn. Một nét đẹp về lòng trọng nghĩa vẫn được duy trì từ nửa thiên niên kỷ qua khi đến nay hậu duệ đến hơn 20 đời của hai họ này vẫn một lòng thờ chung thủy tổ của mình và vẫn coi nhau như anh em cật ruột!
Một góc nhà thờ Trương Đặng Công ở Diễn Châu
* Lịch sử trong những ngôi nhà thờ tộc...
Ở làng Hương Quế bên Quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Trải qua mấy cuộc chiến tranh, gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê; trong đó có đại ấn "Đế mạng chi bửu" của vua Lê Thánh Tông và "Chế mạng chi bửu" của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận trong một ống đồng.
Nhà thờ Hương Quế (Quế Sơn Quảng Nam nơi thờ các tiền hiền họ Phạm
Theo gia phả tộc Phạm ở Hương Quế, bậc tiền hiền vào đây đầu tiên là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần. Năm 1401, Phạm Nhữ Dực giữ chức Chánh đô án vũ sứ phụ trách di dân vào khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cháu nội của ông về sau là Phạm Nhữ Tăng theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471 rồi được phong đến chức Quảng Nam thừa tuyên đô thống. Cụ Phạm Nhữ Tăng mất năm 1478 ở Bình Định, được vua cho cải táng đưa về an nghỉ tại làng Hương Quế. Trước mộ của cụ Phạm Nhữ Tăng hiện nay vẫn còn câu đối do chính vua viết, tạm dịch nghĩa:
Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc;
Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam.
Cho thấy dấu vết cụ thể và quan trọng của quá trình mở cõi về phương Nam của dân tộc ta vẫn còn đó.
Còn tại nhà thờ tộc Đặng ở thôn Đông Hộ, xã An Hải huyện đảo Lý Sơn là cả một bằng chứng thuyết phục về chủ quyền các quần đảo ở biển Đông của tổ quốc. Như ta biết, vào tháng 4-2009, tộc họ Đặng đã hiến tặng tờ lệnh quý về Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao. Tài liệu độc nhất vô nhị này do tộc họ Đặng đã giữ qua sáu đời, là “công lệnh” của quan tỉnh Quảng Ngãi theo lệnh triều đình đã cấp cho ông Đặng Văn Siểm và ông Dương Văn Định, ghi rõ ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Tờ lệnh gồm bốn trang - bản gốc còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay...Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi không chỉ họ Đặng ở xã An Hải mà các tộc họ khác ở huyện đảo Lý Sơn đều có nhiều bậc tiền bối từng giong buồm ra biển Đông thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Chi tiết này cho thấy, những yếu tố liên quan đến luật quốc tế về hành xử chủ quyền lãnh thổ đã được thực hiện rất sớm và liên tục trên biển Đông từ các chế độ phong kiến trước đây.
Hiện tôi cũng có mấy tài liệu liên quan đến các họ Võ, Hà, Trần ở làng Phong Ngũ (Điện Bàn, Quảng Nam). Từ những tài liệu này, có thể tìm ra các tổ chức Giáp ( từ Nhất Giáp đến Lục Giáp) ở đàng Trong, cũng như biết được tổ tiên một số tộc họ liên quan vào Nam từ thời nào! (Khác với nhiều gia phả đã ghi tổ tiên họ vào Nam từ khi Lê Thánh Tôn thắng Chiêm Thánh năm 1471, vì mỗi tộc họ chỉ mới có 17-18 đời...).
*Kết
Trong văn hóa truyền thống Á Đông, nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội, thì tộc họ là cơ chế kết nối đầu tiên và quan trọng giữa từng gia đình với làng xã. Ngày nay, mọi gia đình Việt Nam đều giữa được những truyền thống tốt đẹp nhất trong mối liên hệ huyết thống trong tộc họ và vì vậy, đạo đức cá nhân được đề cao, tạo nên sự vững chắc cho cộng đồng. Chúng ta có hàng triệu những ví dụ minh họa cho điều đó. Qua ghi chép về những nét sinh động ở các tộc họ trên đây, bài viết này muốn nói rằng vẫn còn rất nhiều điều thuộc về lịch sử và văn hóa từ các tộc họ vẫn chưa được khai thác hết nhằm góp phần vào việc giáo dục nhân cách, lịch sử cho các thế hệ sau.
Trương Điện Thắng
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì