Cuốn theo dòng xoáy lịch sử, đời sống một số dòng họ bị lụn bại, có dòng họ tan biến không còn chút vết tích, anh em con cháu mỗi người mỗi ngả, hoặc mai danh ẩn tích, hoặc đổi họ thay hình, không muốn đào xới chuyện tông tích máu mủ.
Mặt khác, lịch sử đất nước ghi nhận vai trò các dòng họ đã có đóng góp vào sự hình thành và phát triển của dân tộc, cho sự nghiệp chinh phục thiên nhiên và bảo vệ đất nước, đặc biệt là đã khắc họa những đường nét không thể xóa mờ trong việc hình thành nhân cách và phong thái con người Việt Nam trong một thế giới đầy biến động và xáo trộn.
Năm sáu chục năm nay, vượt qua thác ghềnh của thời cuộc, một vài dòng họ có sức sống dẻo dai vẫn cố gìn giữ nền nếp hương khói cha ông tổ tiên, nhờ đó mà dõi theo được các chi, các nhánh cháu con đi làm ăn gần xa, duy trì được nét cơ bản trong truyền thống quý báu của dòng họ mình, giữ được mối dây nối kết tình máu đào nội tộc hướng vào lợi ích chung của đất nước.
Có thể kể như dòng họ Doãn, gốc tích từ chạ Kẻ Nưa, giáp Cá Na (nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá), đi từ lao động khai phá đất hoang lên nông nghiệp căn cơ vững bền, rồi rèn đúc chí hiếu học để có thể tiến thân bằng chữ nghĩa. Dòng họ Doãn còn giữ nguyên tổng phả ghi chép từ nhà Lý, còn ghi danh tánh mấy chục người học giỏi, thi đỗ làm quan các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đều nổi tiếng ở tính tình cương trực, khí tiết đàng hoàng, như cụ Doãn Định (1312–1363) dám can ngăn nhà vua và vạch lỗi lầm của thái thượng hoàng nhà Trần…
Gia tộc Doãn còn có truyền thống đánh giặc cứu nước, khởi đầu từ Doãn Nỗ mười năm theo Lê Lợi giành lại non sông, qua Doãn Đăng Thức đời Lê Cảnh Hưng, Doãn Văn Hiệu, Doãn Hy, Doãn Uẩn đời Nguyễn, cho đến các tướng Doãn Tuế, Doãn Sửu thời đánh Pháp, đánh Mỹ gần đây.
Hiện nay, các chi họ Doãn ở Phú Mỹ – Hà Tây, Vũ Thư – Thái Bình, Nghĩa Thành – Nam Định, Quế Phong – Quảng Nam, Sơn Đông – Hà Tây, Đại Lộc – Quảng Nam… vẫn có liên hệ với quê gốc ở chi Cổ Định – Thanh Hoá.
Quả là việc nối kết dòng họ và sưu tập gia phả, trong rất nhiều trường hợp, đã nâng cao lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ, đã làm xúc động nhiều tấm lòng tưởng đã nguội lạnh để trở về đùm bọc người thân thuộc, góp phần chỉnh đốn lại gia phong, gia giáo đã có thời rệu rã hoặc suy đồi.
Họ Vũ (Mộ Trạch, Cẩm Bình, Hải Dương) tìm được cuốn phả viết năm 1470, ghi việc từ tổ Vũ Hồn (804–853), từ đó nối được hơn 110 chi dòng họ Vũ (Võ) ở trong và ngoài nước.
Họ Ngô tìm được phả ghi việc từ đời Ngô Nhật Đại tham gia khởi nghĩa với Mai Thúc Loan, rồi ba trăm năm sau là Ngô Quyền, đến nay chắp nối được 213 chi, ngành họ Ngô cư trú ở 195 xã, phường trong 27 tỉnh, thành.
Từ một tấm bia đá Hạ tộc bi ký tìm thấy ở một ngôi chùa vùng Lạng Giang (Bắc Giang), họ Hạ ở Đáp Cầu tìm về gốc tích trong Thanh Hoá, rồi nối kết được các chi phái họ Hạ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Thanh Hoá, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…
Thật đáng ghi công cho các bản gia phả sưu tập công phu đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá về sử học, xã hội học, ví dụ như cuốn Dương tộc thế phả ở làng Lạt Sơn (Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) chỉ cần 20 trang đã đưa ra nhiều tri thức về địa lý, nông nghiệp, tài nguyên khoáng sản, dân cư, tôn giáo và phong tục tập quán hội hè đình đám ở cả một miền đất ven sông Đáy.
Hoặc cuốn Ngô gia thế phả ở Thái Bình cùng các cuốn gia phả chi họ Nguyễn ở Thất Khê (Tràng Định, Lạng Sơn), ở Vũ Ẻn (Thanh Ba, Phú Thọ) cho chúng ta thêm nhiều tư liệu về cuộc đời riêng của Nguyễn Trãi (1380–1442), đặc biệt là cuộc sống gia đình của ông với Nguyễn Thị Lộ và các bà vợ họ Châu, họ Phùng, họ Phạm cùng các con của ông.
Bản Phạm tộc phổ ký sưu tầm ở Yên Mô (Ninh Bình) không chỉ nêu cao truyền thống hiếu học của con cháu họ Phạm qua 500 năm, mà còn chép lại đầy đủ quy chế về giáo dưỡng, về rèn giũa đạo đức, về gìn giữ gia phong khiêm nhường trước và sau khi đỗ đạt, làm quan, về mẫu mực nghĩa khí như Phạm Thận Duật (1825–1885) phò Hàm Nghi lên núi Quảng Trị để hạ chiếu Cần vương, rồi đắm thân mình dưới biển sâu khi bị giặc đày đi đảo xa Tahiti ở nam Thái Bình Dương.
Bản Trúc Lâm phổ ký kể chuyện ông tổ Nguyễn Thời Trung đỗ tiến sĩ, đi sứ Bắc Kinh, lén học được nghề làm giày dép về truyền cho con cháu ở quê nhà Tứ Lộc (Hải Dương), dần dà phát đạt, mở mang nên các phố nghề giày dép của Hà Nội xưa: Hàng Hài (nay là đầu Hàng Bông), Hàng Hành, Hàng Giày… Ngôi đền Trúc Lâm tự thờ tổ nghề giày dép da Việt Nam hiện còn ở cuối phố Hàng Hành.
Di tích thành Cổ Loa.
Dân Việt ta không phải chỉ có “trăm họ”, mà chỉ ở riêng đồng bằng sông Hồng đã có 202 dòng họ; học giả Dã lan Nguyễn Đức Dụ, trong cuốn Gia phả – khảo luận và thực hành, khẳng định Việt Nam có khoảng 300 họ (ở đây, cần ghi chú thêm rằng có thể chúng ta đang còn bỏ sót ghi chép về hơn 100 dòng họ của một số tộc người thiểu số…).
Hăng hái nhất và luôn chiếm số đông trong phong trào nối kết dòng họ – ta hãy tạm gọi như thế, dù rằng có người chưa hẳn đồng tình – là những người có tuổi, mà hầu hết là nam giới (trong phong trào, các vị tìm ra một danh vị để gọi nhau là các bậc tôn lão, chắc là với hàm ý già họ đối chứng với già làng chăng). Hiện tượng này là dễ hiểu, bởi vì đây là lớp người nhạy bén nhất về sự hạn hẹp trong quỹ thời gian còn lại của đời mình nên tha thiết hơn trong mong muốn chuyển tải cho xã hội nói chung và con cháu dòng tộc nói riêng, những nhận thức rằng văn hóa một đất nước như Việt Nam ta, có một cội nguồn từ gia đình, từ dòng họ.
Như một dòng chảy tự nhiên, nhiều người đang góp sức khôi phục và làm rạng danh nền văn hóa gia đình – dòng họ Việt Nam. Những người ưa thực tiễn thì kiếm tàu xe, lên đường lặn lội đến tận các vùng xa, miền biên giới và hải đảo… để tìm lại anh em chú bác họ hàng; tiếp sau đó là làn sóng dịch gia phả, viết lại gia phả, quy tập nghĩa trang dòng họ và xây lại mộ tổ, xây nhà thờ họ, chắp nối các chi, các nhánh lâu nay phiêu cư bạt quán, sắp xếp thế thứ, quy định gia giáo, gia phong…
Truy tìm gia phả hiện nay và nhiều mặt trái…
Tuy nhiên, trong hoạt động sôi động này đã xuất hiện một số lệch lạc như, có thôn xóm ồn ào đòi mộ tổ (có mộ đã bị biến dạng hoặc san bằng từ nhiều thập niên trước, con cháu không biết tên tuổi người xưa nằm dưới đất là ai), có gia tộc quy tập các ngôi mộ trong dòng họ thành một nghĩa trang riêng có tường cao vây quanh với cổng lớn đắp cuốn và miếu nhỏ bốn góc, có khi có cả mấy cái lăng giả cho các vị thủy tổ, viễn tổ, khởi tổ.
Họ cho đây là cơ hội để phô trương thanh thế dòng họ, đua nhau xây mộ tổ họ mình phải cao to hơn mộ tổ họ khác; nhiều mộ đắp nền thật cao với đủ chín bậc thềm đá đỏ, mái lăng hai tầng, đủ tường bao quanh hình tay ngai thật đồ sộ. Nơi có gò đồi, các họ tộc tranh nhau gò lớn, đồi cao. Các thầy địa lý thật và giả xuất thế rầm rộ, theo nhu cầu tha hồ vẽ chuyện về long mạch với hàm rồng.
Đánh ghen - tranh dân gian Đông Hồ.
Cùng với phong trào xây cất mộ tổ và nghĩa trang dòng họ là công cuộc kinh doanh bán đất để chôn cất và cải táng, từ đó nghĩa trang mọc ra tùm lum cả trong khu vực đã quy hoạch, cả giữa quận nội thành, bất chấp quy phạm về môi trường.
Cúng tế linh đình, tất yếu dẫn tới tình cảnh kiện tụng đòi lại nhà thờ họ, góp tiền tỷ đua nhau xây cất lại đại tộc lễ đường cao to hơn xưa. Từ các vụ đòi nhà thờ họ, tiến lên đòi ruộng họ, đòi bồi thường và phục chế đồ tế lễ xưa, kể từ hương án, tán lọng, đỉnh đồng, hoành phi, bia đá cùng các đồ tế khí khác.
Có người sa vào cuộc cãi vã vô bổ, bênh che ông Vũ Tá Đường chẳng có gì xấu tới mức bị ông Tô Hiến Thành “miệt thị” như là một kẻ bợ đỡ, nịnh nọt; và rằng đánh giá như vậy là Hoàn toàn trái với bản chất dòng tộc họ Vũ mà cả ngàn năm sau này con cháu vẫn duy trì, vẫn tự hào về khí tiết của dòng họ…
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan đoàn thể cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo đời sống văn hoá, xã hội cần kịp thời có chủ trương và giải pháp giúp cho hoạt động nối kết dòng họ đi vào việc khai thác các yếu tố tích cực của truyền thống tốt đẹp này, một nét son trong nền văn hóa dân tộc.
Nam Long sưu tầm
Nguồn tin: http://honvietquochoc.com.vn
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì