Cũng như cư dân trên mọi miền đất nước, người dân đất Quảng tin tưởng sâu sắc vào sự hộ trì của tổ tiên trong cuộc sống. Việc phụng thờ tổ tiên được xem là một hoạt động sống, gắn kết mật thiết với sự tồn tại và phát triển của các thế hệ người sống. Các hoạt động bày tỏ niềm tin một mặt thể hiện sự kính tín của con cháu đối với tổ tiên, mặt khác, biểu thị tinh thần tập hợp, gắn kết bền chặt con cháu trong gia đình, dòng tộc, làng xóm.
Do điều kiện lịch sử - xã hội nên người Việt đất Quảng có quan niệm khá rộng về tổ tiên. Theo đó, có tổ tiên của gia đình/ dòng tộc và có tổ tiên chung của cả làng. Tổ tiên của gia đình/ dòng tộc được gọi là Ông Bà; tổ tiên của làng chính là tổ tiên các dòng họ, được gọi là tiền hiền và hậu hiền. Việc thờ tổ “hai cấp’’ nhà và làng, được truyền lưu, tiềm nhập vào đời sống của cá nhân và cộng đồng, đã có tác động to lớn đến việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: lòng hiếu thảo, tình cảm hướng về cội nguồn, tinh thần đoàn kết, tương thân và đạo lý biết ơn trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Bài viết này phác họa tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt đất Quảng, mà trọng tâm là những nghi lễ, phong tục tiêu biểu, với tư cách là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của gia đình - dòng họ - làng xóm. Qua đó, góp phần khẳng định giá trị cốt lõi của tín ngưỡng tổ tiên ở Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay.
I. THỜ TỔ TIÊN TRONG GIA ĐÌNH - GIA TỘC
Mỗi gia đình người Việt đất Quảng luôn gắn mình với gia tộc. Người ta có ý thức rất rõ nhà mình thuộc chi nào, phái nào trong mối liên hệ thờ phụng tổ tiên. Các trưởng chi, trưởng phái hàng năm tổ chức cúng giỗ. Việc tham gia và góp giỗ phân đến từng gia đình. Mỗi gia đình cử đại diện tham gia ngày cúng tổ của chi, phái mình. Ở phạm vi gia đình, dân đất Quảng gọi thờ tổ tiên là thờ ông bà. Cách nói này phản ánh sự phân cấp trong thờ phụng. Trong gia đình, bàn thờ ông bà thường thờ ba đối tượng: ông bà cố, ông bà, cha mẹ.
Dù là nhà giàu hay nghèo thì nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên, đặt ở gian chính của nhà. Trên bàn thờ phổ biến có đồ tam sự. Chính giữa bàn thờ là Giá kỉnh. Đó là một khung ảnh bằng gỗ, có đế chân, mặt kính, bên trong thường cẩn chữ “Phước’’ (chữ Hán), có ý nghĩa như bài vị.
Có một bộ phận khá đông người dân đất Quảng theo đạo Phật. Họ thờ Phật Bà Quan Âm tại gia. Với những gia đình này thì bàn thờ Phật được đặt cao hơn bàn thờ ông bà. Tượng Phật đặt trong tủ kính; chuông và mõ niệm Phật đặt hai bên bát hương của bàn thờ ông bà. Ngoài ra, còn có một bộ phận nữ giới là các bà, các chị tin vào sự độ mạng của Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, nên cũng lập bàn thờ Bà Cửu Thiên bên phải bàn thờ ông bà. Nhà nào có cô, bác, chú chết mất xác, thì gia đình xây khám thờ ở ngoài sân, mặt khám quay vào trong nhà.
Người dân đất Quảng quan niệm: “Giàu út ăn, khó út chịu”. Con trai út trong gia đình là người ở cùng bố mẹ, sướng hay khổ còn tùy thuộc vào của cải cha mẹ để lại. Bù lại, con trai út cũng được thờ cúng ông bà. Do đó, ở Quảng Nam – Đà Nẵng, việc thờ cúng ông bà của nhiều nhà do người con út đảm nhiệm.
Việc thờ phụng ông bà diễn ra quanh năm, trong đó có những ngày chính như: cúng vào ngày 14 và ngày 30 âm lịch hàng tháng (người dân đất Quảng cho rằng, ngày 1 và ngày 15 hàng tháng là ngày mọi người đi chùa lễ Phật, mà cũng là ngày ông bà “lên chùa’’, nên phải cúng ông bà vào ngày trước đó); các sự kiện trong gia đình, như cưới hỏi, thi cử học hành, làm ăn; Tết Đoan ngọ, Tết Nguyên đán, và ngày giỗ. Trừ dịp lễ tết, cúng giỗ, thức cúng dâng ông bà phải nhiều hơn, còn các dịp khác thì thức cúng đơn giản. Tuy nhiên, những món cúng cổ truyền thì không bao giờ thiếu, như: cơm, canh, xôi chè, bánh tráng, bánh tổ, trầu rượu… Cách bài trí, sắp đặt trên bàn thờ phải theo đúng tục xưa: có bình bông (phải là bông cúc vạn thọ vàng) và nải quả (gồm ngũ quả, trong đó không thể thiếu nải chuối xanh), sắp bày theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả’’; trầu rượu; 12 cặp vàng bạc hàng mã trải trước bát hương. Vào ngày Tết Đoan ngọ, trên bàn thờ ông bà có thêm vài dĩa bánh ú lá tro; lễ Vu Lan thì có chè, xôi để ông bà hâm hưởng.
Cúng ông bà trong lễ Tết Nguyên đán là một lễ trọng của gia đình. Theo phong tục, cứ hết năm, nhà nào cũng tiến hành thay cát lư hương trên bàn thờ ông bà. Khoảng giữa tháng chạp, nhà nhà đi chợ mua cát trắng về đãi sạch, phơi khô. Sau ngày cúng tất niên, trừ ngày Dần, các ngày còn lại đều là ngày tốt, gia chủ thắp hương khấn vái ông bà, xin phép được thay cát chân hương trên bàn thờ. Một lớp cát mỏng được lót xuống đáy bát hương, trên lớp cát đó là 3 lá trầu và 1 trái cau (để ông bà ban lộc), cuối cùng là lớp cát phủ kín. Trên bàn thờ ông bà, gia chủ bày hoa quả, trầu rượu, bánh chưng, bánh tét, bánh tổ..., đồ mã (quần áo, mũ nón, giấy tiền vàng bạc). Ngày 29 hoặc 30 tết, gia đình làm mâm cơm rước ông bà về ăn tết; đến ngày mùng làm lễ hóa vàng cùng mâm cơm đưa tiễn ông bà.
Trong phạm vi gia tộc, nhà thờ tộc là nơi gắn kết các thành viên của tộc họ. Hầu như nhà thờ tộc nào cũng có một gia phả, được người dân gọi là “cây phổ hệ’’. Có nhà thờ tộc chung và có cả nhà thờ tộc riêng của từng chi phái. Một số nhà thờ tộc vẫn giữ được nét kiến trúc cổ cùng với các bức hoàng phi, liễn đối. Tuổi đời của những nhà thờ này khoảng gần 200 năm.
Việc thờ tổ tiên trong tộc họ của cư dân đất Quảng theo nguyên tắc: “chín đời hơn người dưng". Bên cạnh đó, quan niệm về tổ tiên của dòng họ cũng rất rộng rãi và sâu sắc. Chẳng hạn, người tộc Lê ở đây luôn tự hào mình là con cháu nhà Lê…Điều này cho thấy sự liên hệ thường trực với cội nguồn đất Tổ đã ăn sâu vào tâm thức người dân đất Quảng. Chúng ta còn thấy rõ điều này khi tìm hiểu những tộc họ có ông tổ là Tiền hiền hoặc Hậu hiền của làng. Trong trường hợp này, con cháu gia tộc vừa tự hào vì được quỳ thần bái xã, vừa hãnh diện vì tổ tiên của mình có gốc gác từ vùng đất Tổ, đã có công đi mở cõi, trấn nhậm một vùng, lập nên làng xã.
Các lễ trọng tổ chức ở nhà thờ tộc là lễ giỗ tổ tiên và lễ tiết Thanh Minh. Vào ngày này, đại diện các chi phái phải có mặt và góp giỗ. Con cháu làm ăn xa cũng phải cố về. Đến tiết Thanh Minh, trưởng tộc cùng các chi phái trưởng làm lễ tại nhà thờ, sau đó ra nghĩa trang gia tộc dọn dẹp, rẫy mả và hóa vàng cho ông bà/ tổ tiên.
Lễ giỗ ông bà của các nhà thờ tộc ở đất Quảng tổ chức trong hai ngày: Ngày đầu là ngày chuẩn bị, gọi là ngày chưng thường, hay tiên thường; ngày hôm sau là lễ chánh kỵ. Món cúng có đủ cả món chay lẫn mặn, trong đó không thể thiếu đầu heo phủ mỡ chài và một con heo quay.
Lễ chánh kỵ tổ chức vào buổi sáng. Trước khi hành lễ, gia tộc phải làm lễ cúng thần hoàng bổn xứ, cô hồn, người khuất mặt, chiến sĩ trận vong, Tiền hiền, Hậu hiền. Bàn cúng đặt ngoài sân với thức cúng ít hơn trong nhà thờ, song lại phải nhiều gạo muối, bỏng nổ, khoai sắn, đồ mã, và một bộ đồ thần thành hoàng bổn xứ (Thổ thần). Lễ cúng theo tục lệ xưa bày, đó là cúng đủ ba tuần rượu, đọc văn cúng cô hồn, hóa văn tế và hóa vàng. Người dân đất Quảng quan niệm, phải có lễ cúng này thì ông bà/ tổ tiên mới “vào” được nhà của con cháu.
Lễ chánh kỵ/ tế tổ tiên tiến hành ngay sau đó. Các nghi thức, lễ bái của lễ giỗ phỏng theo nghi lễ cúng Đình, chỉ khác ở câu xướng tế: Nếu trong lễ cúng Đình là: “nghinh tôn thần chi gia huệ dã”, thì trong lễ tế Tổ tiên sẽ là: “nghinh hương linh chi gia huệ dã’’.
Cũng trong ngày tế tổ tiên, các thành viên trong tộc họ thường cùng nhau ôn lại nguồn cội, công lao của ông bà đối với con cháu; đồng thời nhắc nhở con cháu phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không làm những điều sai trái làm ô danh tộc họ. Những gương “người tốt, việc tốt’’ trong tộc họ cũng được nêu lên để cho con cháu học tập. Lễ chánh kỵ kết thúc sau nghi thức thiểu khước (lạy tạ, xin phước mọn) của đại diện các tộc họ khác được mời đến dự. Sau đó là ăn uống đãi đằng và chia phần cho người vắng mặt.
II- THỜ TỔ TIÊN TRONG CỘNG ĐỒNG LÀNG XÓM
Có một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng phổ biến ở các làng quê đất Quảng, đó là việc thờ Tiền hiền. Có thể xem đây là một dạng thức thờ tổ tiên ở cấp cộng đồng làng xã vì bản chất thờ phụng là tri ân những người đã có công khai khẩn đất đai, lập nên làng xóm, khai mở nghề nghiệp. Các vị này, trước hết là tổ tiên của các dòng tộc trong làng. Chính công lao mở xóm, lập làng của họ đã được cộng đồng thừa nhận và tôn vinh thành Tiền hiền. Cơ sở của việc suy tôn là thông qua lịch sử của các gia tộc truyền từ đời này sang đời khác mà thành lịch sử về các vị Tổ của làng. Phổ biến ở các làng quê đất Quảng là sự phụng thờ Tiền hiền từ tam tộc trở lên, như: làng Mân Thái (Tiền hiền tứ tộc), làng Mân Quang (Tiền hiền lục tộc), làng Hải Châu (Tiền hiền 43 tộc), làng Hà My (Tiền hiền 17 tộc), làng Tĩnh Thuỷ (Tiền hiền tam tộc)... Trong tâm thức người dân, các bậc Tiền hiền được coi như tổ tiên của cộng đồng làng xóm. Chính yếu tố này là sợi dây liên kết bền chặt các thành viên, các thế hệ trong làng với nhau, đồng thời cũng quy định cách ứng xử của người dân đất Quảng theo triết lý: “Trong nhà bênh họ, ngoài ngõ bênh làng”.
Nơi thờ các bậc tổ tiên của làng là đình hoặc nhà thờ. Có làng vừa thờ Tiền hiền ở đình, vừa thờ ở nhà thờ Tiền hiền riêng. Làng thờ Tiền hiền ở đình thì Tiền hiền được thờ ở chánh tẩm, vị thế chỉ sau Thành hoàng bổn xứ. Bàn thờ Tiền hiền có bài vị ghi tên các vị Tiền hiền bằng chữ Hán hoặc Quốc ngữ. Làng có nhà thờ làm nơi thờ chính Tiền hiền, như: An Hải, Hà My, Phước Ấm, Tĩnh Thuỷ..., thì nhà thờ Tiền hiền là một kiến trúc độc lập, quy mô và cách bài trí giống như nhà thờ tộc.
Ngày kỵ Tiền hiền là một trong những ngày lễ trọng của cộng đồng làng, mang tính chất lễ giỗ Tổ chung của cả làng. Trước khi tổ chức, các chư tôn tộc phái trong làng cắt cử đại diện tham gia lễ rẫy mả tiền hiền. Lễ chánh kỵ được tổ chức ở đình hoặc nhà thờ Tiền hiền. Những làng kỵ tiền hiền tại đình thì ngày kỵ thường cùng với ngày cúng kỳ yên của làng (hoặc là ngày thành lập làng), tổ chức mỗi năm một lần. Một vài làng ven biển Đà Nẵng có lệ kỵ Tiền hiền hai lần trong năm, trùng với lễ cầu phước (đầu năm) và cầu an (cuối năm). Những làng có nhà thờ Tiền hiền riêng, thì việc kỵ Tiền hiền tại nơi này được gọi là ''ngày giỗ hội'', hay ngày ''kỵ Tổ Tiền hiền'', như ngày giỗ hội của làng An Hải vào ngày 6/6, làng Hoá Sơn ngày 4/6, làng An Tân ngày 12/2, làng An Bàng ngày 15/1 và ngày 12/6, làng Hói Láng ngày 16/3, làng Hà My ngày 20/3 và 20/8, làng Phước Ấm ngày 10/3, làng Tĩnh Thuỷ ngày 15/4... Đây cũng là những làng còn giữ được ruộng hương hỏa, do các chư phái tộc trong làng tự nguyện đóng góp để thờ phụng tiền hiền.
Lễ kỵ tổ Tiền hiền ở các làng quê đất Quảng cũng diễn ra trong hai ngày, gồm lễ túc và lễ chánh. Vật phẩm dâng cúng tuỳ theo quy mô cuộc tế: tiểu lễ cúng xôi gà, trung lễ cúng thịt heo, đại lễ cúng thêm bò. Lễ túc hay còn gọi là lễ chưng thường bao giờ cũng gồm hai lệ. Đó là lễ cúng Âm linh/ Cô Bác ngoài trời và lễ cúng cáo các bậc Tiền hiền trong chánh tẩm. Lễ vật dâng cúng gồm bình bông, hoa quả, cùng nhiều đồ mã (áo giấy, tiền vàng để cúng Âm hồn; một bộ đồ Thổ Thần và giấy vàng bạc để cúng tiền hiền). Lễ chánh kỵ tiến hành vào sáng sớm ngày hôm sau, và cũng gồm hai lệ giống lễ chưng thường, chỉ khác ở thức cúng Âm linh và Tiền hiền: Thức cúng Âm linh ngoài sân, bên cạnh đồ mã, bình bông, nải quả, bánh trái, khoai sắn, bỏng nổ, phải thêm cơm canh, cá gỏi, xôi chè và bánh tráng; còn thức cúng Tiền hiền chính là các món dâng cúng trong ngày giỗ tổ tiên.
Nghi thức lễ kỵ tổ tiền hiền cũng bao gồm các bước như nghi thức tế thần, gồm: Sơ hiến, á hiến, chung hiến, độc chúc và thiểu khước (con cháu các tộc họ ở xa về và các đại biểu lạy sau cùng để xin hưởng phước mọn của tổ tiên). Chủ tế thường là vị trưởng làng. Làng nào thờ nhiều bậc Tiền hiền thì chủ tế, đồng thời cũng là người vinh dự được đọc văn tế phải thuộc tộc họ Tiền hiền đầu tiên. Văn tế tiền hiền có nội dung đề cao công đức khai sơn phá thạch, lập làng, mở nghiệp của các vị tiền nhân, mà cũng là tổ tiên các dòng họ trong làng, đồng thời đó còn là tiếng nói tri ân của các thế hệ cháu con đối với các bậc tiên tổ.
Cùng với việc cúng tế hàng năm, nhiều làng giữ lệ cứ ba năm một lần vào ngày kỵ tổ Tiền hiền lại tổ chức hát tuồng cầu an. Những làng gần sông biển thì tổ chức đua ghe, lắc thúng. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng này đã góp phần làm cho ngày kỵ tổ tiền hiền như trở thành ngày hội của cộng đồng làng.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân đất Quảng không xa rời truyền thống của dân tộc. Ở nơi này, gia đình - tộc họ vẫn tổ chức theo mẫu hình truyền thống. Sợi dây huyết thống được nối dài đến chín đời, để khẳng định tính chất cùng chung nguồn cội. Gia phả của tộc họ được gọi là “cây phổ hệ” đã nói lên ý thức bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát triển dòng họ của người dân đất Quảng trong cuộc sống đương đại.
Thực tế cho thấy, trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng không có nơi nào có đền thờ Hùng Vương. Nhưng tinh thần của tín ngưỡng này thì đã thấm sâu vào đời sống người dân đất Quảng từ bao đời nay. Người Việt thờ Hùng Vương là thờ người sáng lập ra đất nước. Ngày giỗ Quốc Tổ là ngày cả dân tộc tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng, thể hiện đạo lý biết ơn, lối sống trọng tình của dân tộc. Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng này đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc, khúc xạ trên mỗi vùng đất, tạo nên những phong tục, dạng thức thờ phụng mới nhưng vẫn không cắt đứt với truyền thống đạo lý dân tộc. Theo đó, việc thờ phụng tổ tiên/ông bà ở gia đình, dòng tộc và làng xóm của người dân đất Quảng cũng gắn với niềm tin, triết lý sâu sắc về nguồn cội, hàm chứa trong đó lối sống, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn", đúng như câu văn trong một bài văn kỵ Tổ tiền hiền của người dân đất Quảng: “Ơn đó ngàn năm ghi mãi, nghĩa kia muôn thuở nào quên”.
Nguyễn Xuân Hương
Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Chi hội Đà Nẵng.
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì