TRUONGTOC.VN - Bắc Giang là tỉnh miền núi, được tái lập năm 1997, diện tích 3.827,38 km2, với 8 dân tộc có số dân đông cùng các dân tộc khác cư trú trên địa bàn của tỉnh, trong đó dân tộc Kinh là đông hơn cả. Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, mỗi dân tộc ở Bắc Giang đều có những nét tiêu biểu độc đáo. Nhưng đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt vẫn là chủ thể, có sự ảnh hưởng và tác động tới đời sống văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc khác. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin trình bày những vấn đề khái quát, liên quan tới đời sống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở Bắc Giang.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là sự thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đạo lý này trong đời sống văn hóa dân tộc Việt thể hiện rất rõ và có những đặc trưng rất tiêu biểu được thể hiện ở mấy vấn đề sau:
1. Về việc thể hiện: được phản ánh ở hai mặt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của xã hội là:
1.1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ Việt: Người dân Bắc Giang từ xưa tới nay vẫn quan niệm và khẳng định tổ tiên người Việt ở Việt Nam là các vua Hùng. Cho nên câu “Giỗ tổ Hùng Vương” đã trở thành tâm lý văn hóa về nguồn của các cộng đồng cư dân trong tỉnh. Vào dịp tháng ba âm lịch hàng năm, ai ai cũng muốn về Phú Thọ để thắp hương các Vua Hùng để tỏ lòng kính trọng của mình với tổ tiên khai sáng đất Việt.
Như chúng tôi biết, ở đất Kinh Bắc xưa có nơi thờ các vị liên quan tới tổ Việt, đó là lăng Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) và ở đó còn có đình Á Lữ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ là hai nhân vật sinh ra các vua Hùng. Cũng ở huyện này còn có đền Bình Ngô ở xã Nghĩa Xá thờ đủ 100 con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Còn ở các đền, miếu khác hầu hết là thờ các vị bộ tướng của vua Hùng như Cao Sơn, Quý Minh, Càn Sơn…và một số công chúa của vua Hùng mà cho tới nay chúng tôi cũng chưa kiểm kê hết và có lời tổng kết về việc thờ phụng các tướng này.
Mới đây, qua điều tra đã phát hiện ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có đền thờ bà Âu Cơ. Đền này dân địa phương có ý định đưa tượng phật vào cùng thờ. Lý do tại sao ở đây lại thờ bà Âu Cơ hiện chưa rõ, nhưng hiện tượng thờ mẫu trong đó có mẫu Âu Cơ cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Vừa qua chúng tôi có đọc một số tài liệu chữ Hán của các cụ xưa lưu lại thấy rằng: hai vị Cao Sơn và Quí Minh là hai trong ba vị được tôn thờ ở núi Tản Viên. Tài liệu cho biết, núi Tản Viên thờ ba vị là Tản Viên Sơn Thánh (ở giữa), Cao Sơn (ở bên trái núi), Quí Minh (ở bên phải núi). Ngày lập xuân hằng năm cáo lễ tế đất trời gọi là lễ Phụng Thiên, sau đó mới làm lễ ở Bạch Hạc. Tài liệu dã sử cho hay Tản Viên Sơn Thánh là con rể Hùng Duệ Vương thứ 18, vua chỉ có con gái nên nhiều đối tượng muốn dòm ngó non sông của ngài. Thục Phán vì thất ý nên tức giận khởi binh lấn chiếm đất vua Hùng. Tản Viên Sơn Thánh cầm quân cự lại và chiến thắng. Trong cuộc chiến này, Tản Viên có hai bộ tướng là Cao Sơn và Quí Minh trợ lực ngày đêm nên được tôn thờ cùng Tản Viên ở núi Tản Viên. Tuy chiến thắng nhưng Tản Viên Sơn Thánh không nhận ngôi do vua Hùng trao cho mà khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Việc thành nên từ Thục Phán về sau đều tôn thờ ba vị nêu trên.
Việc tôn thờ mẫu Âu Cơ (và các mẫu khác: Vua Bà, Thượng Ngàn…) cùng việc tôn thờ các tướng lĩnh thời Hùng Vương, các công chúa thời Hùng Vương đều liên quan tới việc thờ các vua Hùng. Trong các thần tích, câu đối, hoành phi đều có những từ, những ý, những đoạn, những câu nói về công lao của các Vua Hùng sau mới nói tới công lao của các vị thánh ấy. Điều đó cho thấy việc hướng về nguồn, về tổ tiên người Việt mà thờ phụng là rất rõ ràng, truyền từ đời này qua đời khác.
Gần đây có một vài ý kiến đề nghị cần quan tâm nghiên cứu xác định Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ (hiện đang tôn thờ ở Á Lữ mới là tổ đích thực, trước cả Hùng Vương mới đúng) về việc này chúng tôi thấy rằng: việc tôn vinh các vua Hùng là tổ dân tộc Việt Nam là đúng. Vì từ các vua Hùng nước Việt mới định danh. Các đời con cháu về sau đều lấy đó mà qui về, không nên bàn cãi. Còn như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ ta chỉ nên cho rằng đó là những nhân vật phát tích của triều đại Hùng Vương, như thế là hợp lí và trên thực tế sử sách cổ cũng ghi chép và xác định tương tự như thế. Do đó chúng tôi cho rằng đất nước Việt Nam ngày nay lấy việc thờ các vua Hùng và lấy ngày 10/3 âm lịch là ngày quốc giỗ là đúng và nên tiếp tục duy trì.
1.2. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: việc này cũng rất rõ trong các cộng đồng cư dân người việt. Từ một số ít bộ phận cư dân, còn hầu hết người Việt ở Bắc Giang đều có phong tục thờ cúng tổ tiên tại nhà mình, tại dòng họ mình. Tổ tiên ở đây phải hiểu là tổ tiên của nhà ấy, họ ấy chứ không phải là tổ tiên của dân tộc Việt là Vua Hùng. Việc thờ cúng tổ tiên ở từng nhà diễn ra ở hai vấn đề:
Một là ở các nhà của dòng họ. Ở những nhà này mỗi khi làm nhà mới, ra ở riêng dù ở đất bố mẹ cho thì cũng lập ban thờ và coi như có thổ công riêng. Trên ban thờ riêng này coi như đã có các cụ là những người trên đã khuất được gia đình tôn thờ. Vào các ngày mồng một, mười lăm hàng tháng hoặc ngày lễ ngày tết đều sắp lễ thắp hương cúng các cụ mong các cụ phù hộ độ trì cho con cháu thành đạt.
Hai là ở gia đình ông trưởng họ (hoặc nhà thờ họ), nhà thờ họ thì ít, gần đây mới có phong trào xây dựng nhà thờ họ, còn đa số vẫn sử dụng nhà ông trưởng họ để thờ cúng tổ tiên. Ở ban thờ này các cụ từ thủy tổ trở xuống đều coi như có mặt về dự lễ cúng của con cháu vào dịp giỗ tổ, giỗ các cụ bề trên khác. Ngày giỗ tổ con cháu các nơi về tham dự. Ông trưởng họ phải lo liệu mọi việc trong ngày giỗ chạp. Nhìn chung các nhà về đều có đóng góp để ông trưởng lo việc, đa số là tùy tâm không áp đặt, còn các ngày giỗ khác thì tùy theo, ai về được thì về chứ không bắt buộc.
Trong ngày giỗ, các họ có nhắc tới công lao các tổ với dòng họ, với con cháu, mong mọi người cố gắng duy trì và tích cực đóng góp công sức vào việc họ, việc nước, việc nhà để dòng họ rạng danh hơn nữa. Ngoài ra còn bàn thêm những công việc của họ như lập gia phả, tiết lệ cho phù hợp, khuyến học, xây dựng thêm nhà thờ …
Trong việc thờ cúng tổ tiên còn có tiết mục chăm lo tới phần mộ các cụ tổ. Nhìn chung ngày nay dân ta làm ăn khá hơn trước nhiều nên việc chăm lo phần mộ các tổ được chú ý hơn xưa. Nhiều dòng họ tổ chức đóng tiền của xây cất mộ các cụ rất khang trang, sân mộ, nhà mộ, mộ đều sạch đẹp. Ngày giỗ chạp nhiều họ đều có con cháu ra thắp hương dọn dẹp để các cụ chứng cho tấm lòng của con cháu ngày nay.
Có thể nói rằng việc thờ cúng tổ Việt và tổ tiên bách gia ở Bắc Giang là rất rõ rệt, nó không chỉ được thể hiện ở trong cộng đồng cư dân người Việt mà còn ảnh hưởng tới cả cư dân các dân tộc thiểu số cả về quan niệm và hình thức biểu hiện. Bà con các dân tộc cũng quan niệm vua Hùng là tổ dân tộc Việt, các dân tộc thiểu số là thành viên của dân tộc Việt nên không thể có lí do gì mà quan niệm khác nhau. Do đó ngày 10/3 âm lịch họ cũng đi đền Hùng giỗ tổ, họ cũng nhắc nhở con cháu làm theo lời Bác Hồ nói về vua Hùng cho tốt. Còn về hình thức thể hiện thờ cúng thì nhiều gia đình dân tộc thiểu số cũng bài trí đẹp như người Kinh. Cũng cúng tổ tiên như người Kinh, có khác nhau cũng không là mấy.
2. Về những đặc trưng tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
2.1. Bắc Giang là địa bàn ít có thiết chế văn hóa thờ vua Hùng: thực ra vấn đề này phải nói là không có nơi nào thờ vua Hùng riêng. Duy nhất chỉ có một nơi thờ mẫu Âu Cơ là đền thờ Âu Cơ ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế. Đền này qui mô nhỏ, nằm kề đường tỉnh lộ từ Bố Hạ đi Cầu Gồ. Trước đây đổ nát và mới được bà con địa phương tu tạo lại và cho sưu tầm tư liệu, truyền tích dã sử, chính sử viết về mẫu Âu Cơ để mọi người cùng hiểu. Các đình, đền khác là các thiết chế tín ngưỡng thờ Cao Sơn, Quý Minh, Thạch Linh thần tướng, Càn Sơn, Quế Mỵ Nương, Bảo Nga phu nhân…là các vị tướng và công chúa đời các Vua Hùng. Trong thần tích, trước khi nói công lao của các vị ấy thì đầu tiên phải nhắc tới công lao của các Vua Hùng vì lý do con người phải có tổ tông và phải thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
2.2. Địa bàn Bắc Giang chủ yếu thờ tổ tiên tại các gia đình trưởng họ là chính chứ không nhiều nhà thờ họ như mọi tỉnh khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Ở nhà trưởng họ thường đặt ban thờ các tổ chung với bàn thờ cha mẹ đã khuất, ít gia đình tách riêng sau khi sang cát. Mặt khác ở ban thờ này cũng không đặt ngai, ỷ, linh vị các tổ mà chỉ chung một nồi hương, nếu có hai nồi hương thì nồi hương thứ hai là chỗ thắp hương các vị thần, phật.
Trong các dịp giỗ chạp, ít có họ qui định sự đóng góp giỗ mà anh em trong họ xa gần về đóng góp tùy tâm theo quan niệm “giàu một bó, khó một nén” để làm sao ngày giỗ họ thực sự là ngày đoàn kết chung của cả họ. Trong họ, ông trưởng họ đều được mọi người quí trọng nhưng không phải vì thể mà ông trưởng họ buộc ai làm gì cũng được, mà phải gương mẫu trong họ ngoài làng để nhắc nhở mọi người thực hiện tốt việc họ, việc nhà, việc làng nước.
Đến ngày giỗ tổ, anh em con cháu trong họ ai nhớ ngày thì về, ai bận không về được không lôi ra trách cứ, khi vào giỗ, các cụ trên có trách nhiệm cúng lễ, con cháu tự giác phục vụ lễ xong thì hạ lễ cùng hưởng. Cỗ giỗ đóng 6 người một mâm, tuy thế nếu đông có thể lên tới 7, 8 người cũng được. Không nhất thiết phải chờ đủ mâm mới thụ lộc. Lễ và thụ lộc xong, khi về còn có lộc là hoa quả, xôi…cho các cháu.
2.3. Việc thờ cúng tổ tiên trong xu thế ngày nay ở Bắc Giang khá phát triển, một số dòng họ qui tụ con cháu xa gần lại thành một khối lớn để cùng nhau làm một số việc lớn cho họ như họ Thân, họ Bùi, họ Trần, họ Đặng…tiêu biểu là năm 2010, họ Thân Việt Nam đã về Bắc Giang phối hợp với địa phương tổ chức 1000 năm họ Thân trong lịch sử dân tộc nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lễ tổ chức diễn ra tốt đẹp, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, các họ khác có thể học tập và làm một số việc tốt cho họ, ngoài việc kỷ niệm các họ còn tổ chức việc khuyến học cho con em tích cực học tập và vươn lên.
Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Bắc Giang là một hình thức văn hóa trong kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc cần được duy trì và phát triển. Song cũng cần lưu tâm để tránh tình trạng cục bộ làm ảnh hưởng tới phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành.
Ths. Hoàng Thị Hoa
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì