Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên của người Mường và người Việt ở Phú Thọ

01:48 - 20/05/2017 Tin tổng hợp Admin 432

TRUONGTOC.VN - Phú Thọ là nơi ra đời nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt, hay còn gọi là người Việt cổ, Việt Mường. Tuy thế người Việt Mường cũng ở xen kẽ với người Tày cổ ở hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Thao (đoạn sông Hồng từ Yên Bái về Việt Trì). Bộ tộc người Tày cổ ở đây đã li khai với Thục Đế về theo Vua Hùng. Đến thời Hùng Duệ Vương, họ theo Vua Hùng thứ 18 đánh nhau với Thục Phán.

Thời tiền sử và suốt lịch sử cổ đại, người Việt Mường và người Tày cổ đã có nhiều nhóm thiên di về xuôi khai phá trung châu, vùng đồng bằng Bắc Bộ. Do tiếp biến văn hóa với các tộc người từ phương Bắc xuống và ngoài biển vào mà họ trở thành người Kinh. Cư dân cổ trụ lại ở Phú Thọ trở thành người Mường và người Tày tách ra khỏi 2 nhóm ngữ hệ Việt – Mường và Tày – Thái cổ. Nhưng rồi vùng đồng bằng do đất hẹp, người đông, do chiến tranh hoặc do có tội với làng với nước từng nhóm người Kinh lại thiên di lên Phú Thọ để sinh sống. Họ lập thành nhiều làng mới. Đến thời tiền Lê triều đình quy định tên gọi các điểm cư trú của người Mường, người Tày là các động man, đó là cách gọi phiếm chỉ theo quan niệm Nho giáo phong kiến gọi người thiểu số là man di. Thế rồi người Kinh từ xuôi lên ngày càng đông. Họ không chỉ ở các làng xóm của người Kinh mà còn xen lẫn ở trong các động man. Tình trạng này làm cho cư dân gốc các động man ở ven bờ sông Thao, sông Đà, sông Lô cũng bị tiếp biến văn hóa mà trở thành người Kinh. Riêng người Mường ở sâu trong vùng núi cao do ít bị tiếp biến văn hóa mà họ vẫn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa Lạc Việt hơn để trở thành người Mường – người trong khác với người ngoài – người Kinh.

Do đặc điểm nguồn gốc tộc người ấy mà văn hóa nói chung, tín ngưỡng của cư dân Phú Thọ nói riêng có nhiều nét tương đồng.

Vùng Đất Tổ phổ biến tín ngưỡng thờ nhiên thần, tín ngưỡng lúa và đặc biệt là tín ngưỡng thờ Hùng Vương, thờ các nhân vật thời Hùng Vương và thời Hai Bà Trưng… Nhưng tín ngưỡng bản địa phổ biến và sâu rộng nhất ở cả người Việt và người Mường là tục thờ gia tiên.

Đã là gia đình người Việt thì dù giàu hay nghèo, nhà ngói cây mít hay mái lá, mái gianh, nhà nào cũng phải có bát hương thờ cúng gia tiên. Bát hương, bài vị, long ngai, mâm bồng, đài hoa, cây nên, tùy nhà giàu sắm nhiều, nhà nghèo chỉ có bát hương bày trên bàn thờ hoặc đặt sơ sài trên nóc tủ, mặt hòm cao, hoặc mảnh ván đóng ép vào tường làm nơi thờ cúng…

Người Việt vì ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, coi trọng đăng đối lấy gian giữa làm gian thiêng liêng để thờ cúng gia tiên nhưng người Mường khác, do quan niệm có gốc mới có ngọn nên người Mường lấy gian đầu cầu thang lên làm gian gốc, gọi là gian thờ. Cột cái gian gốc ở nhà sàn Mường có tên là cột chồ, còn gọi là cột thờ vì ở ngang vách sát cột thờ, người Mường làm bàn thờ gia tiên treo ra ngoài vách. Người Mường khi làm nhà phải đi tìm khai thác về cây gỗ làm cột chồ đầu tiên. Khi dựng nhà cũng dựng cột chồ đầu tiên. Nếu bán nhà không được bán cột chồ. Kiêng không được ngồi dựa lưng, không được đóng đinh mắc áo, không được nằm đạp chân lên cột chồ, cột thờ. Cạnh đầu cột thờ sát mái nhà còn cài mảnh ván làm nơi thờ dòng dõi tổ tiên, nếu đấy là các nhà cái nhà đích tôn, con trưởng.

Dân ta vốn coi trọng ngày chết hơn ngày sinh. Coi trọng ngày giỗ chứ không tổ chức sinh nhật ồn ào như các dân tộc khác là vì dân ta coi trọng cuộc sống. Thực tế tâm lý người Việt coi sống là ở chết là đi chứ không quan niệm sống gửi thác về như các dân tộc khác. Vì thế khi có người chết ta nói người ấy đi rồi.  Khi xưa sinh nhiều sống ít, mười thóc mới được một gạo nên người ta càng mong sự sống. Tín ngưỡng là để cầu mong cho con người khỏe mạnh, sống lâu ăn nên làm ra. Do mong sống lâu nên dân ta có truyền thống trọng lão. Do trọng lão mới có tục khao lão cho những người hưởng lão từ 50 tuổi đổ lên. Vì coi trọng đời sống con người, nên cúng giỗ là để tạ ơn người lúc sống đã từng có công lớn với gia đình con cháu. Còn cúng giỗ nói chung (cả người chết trẻ) còn có ý nghĩa cho người chết vừa lòng mà phù hộ người sống không gieo tai họa cho người sống.

Tín ngưỡng gia tiên chính là thờ cúng ông bà cha mẹ đã chết. Nếu gia đình có người chết trẻ gọi là bà cô, ông mãnh thì người ta lập bàn thờ riêng ở đốc nhà. Nếu thờ chung trong bàn thờ gia tiên cả nhà Kinh và nhà Mường thì ảnh phải treo dưới ảnh ông bà, cha mẹ, bát hương cũng nhỏ hơn đặt dưới các bát hương khác. Ngày nay cả người Mường và người Việt thờ người nào thì treo ảnh người ấy lên bàn thờ, trước kia nhà giàu làm bài vị để thờ. Một bàn thờ thờ nhiều người, người nào vai trên thì ảnh thờ hay bài vị, bát hương để trên. Tín ngưỡng gia tiên khác với tín ngưỡng cộng đồng thờ Vua vì Vua thờ ở vị trí cao nhất, bố mẹ Vua có thể thờ ở bên cạnh hoặc vị trí dưới.

Trước khi có tín ngưỡng gia tiên, dân tộc ta đã rất phát triển tục thờ vật tổ, tô tem giáo. Tục này có từ thời thị tộc tảo kỳ. Ở thời kỳ quần hôn, theo quy định của bộ lạc thì đàn ông của thị tộc nọ đến giao hoan với đàn bà của thị tộc kia. Tuy thế người ta chưa đủ nhận thức do giao hoan mới sinh con đẻ cái. Người ta mới chỉ biết có người mẹ là người sinh ra cả bày đàn. Vậy người cha kia là ai? Từ câu hỏi ấy mà mỗi bộ tộc tự giải thích vật tổ hay cha mình là loài gì, con gì, cây gì. Tô tem giáo ra đời do yêu cầu hiểu biết trên. Tục thờ tô tem còn lưu lại rất đậm ở xã hội Hùng Vương. Mặc dù sau này con người đã đủ hiểu nhờ có cha kết hợp với mẹ mới có mình nhưng tục thờ vật tổ cũng không vì vậy mà bị loại bỏ. Vật tổ không phải là cha nhưng ở mỗi nhóm người lại có cách giải thích khác nhau như con vật nọ loài cây nọ đã từng cứu sống tổ tiên họ nên họ vẫn phải cầu thờ. Ngày nay các họ Mường ở Phú Thọ vẫn rất coi trọng tục thờ tô tem. Họ Hà này thì thờ con cuốc. Họ Đinh kia thì thờ con rắn. Một họ Đinh khác lại thờ con nai… Họ nào cũng vẽ vật tổ gọi là “tranh họ”. Khi có người chết “tranh họ” được cắm ở bát cơm quả trứng đặt trên chốc quan tài. Khi chôn quan tài, lấp đất đến đâu lôi tờ “tranh họ” lên đến đấy. Cuối cùng “tranh họ” được cắm lên nóc mộ. Người Mường không ăn thịt “con họ”. Thậm chí gặp “con họ” chết, họ còn chôn cất như chôn cất người. Từ thờ tô tem mà người ta sau này mới coi trong tục thờ cúng gia tiên. Người Kinh do thiên di ngược xuôi, cuộc sống nhiều biến động, giao lưu nhiều luồng văn hóa nên tục thờ tô tem đã bị lãng quên và bãi bỏ.

Dân ta xa xưa chưa có chữ viết, chưa có gia phả nên không thể nhớ nổi tên tuổi các đời cụ kỵ về trước. Do tuổi thọ những nhà Việt phúc đức lắm mới có “tử đại đồng cử”, bốn đời sống với nhau. Khi cụ bốn đời còn sống thì con cháu theo sai bảo của cụ mà làm lễ cúng giỗ các cụ bề trên nhưng khi cụ bốn đời ấy chết đi thì con cháu chỉ còn lập bát hương bài vị thờ và cúng giỗ cụ, còn các cụ từ đời thứ 5 thì con cháu do không được biết mặt, không có giàng buộc kinh tế đời sống, không kỷ niệm gì về nhau nên bài vị đem chôn, “ngũ đại mai thần chủ”, hết cúng giỗ. Các cụ được con cháu khấn chung, mời về hưởng chung trong mọi đám giỗ chạp, cầu cúng tết nhất của các gia đình con cháu. Người Mường sau bốn đời con cháu không còn quan hệ họ hàng huyết thống. Con cháu chung ông bà bốn đời cùng góp lễ cúng giỗ. Lúc sống ông bà sống với người con nào thì người con ấy đăng cai cúng giỗ bố mẹ, ông bà ở nhà mình. Những người khác góp lễ rồi cùng cúng và ăn uống ở nhà đó. Người Kinh và người Mường đều như nhau ở tục này. Các cụ từ đời thứ 5 xếp lên hàng tổ tiên được con cháu đời về sau gọi là “cao tằng, tổ tỉ” mời về dự bất cứ có lễ lạt gì của gia đình. Người Mường không làm nhà từ đường thờ tổ họ, không giỗ họ. Nhưng các nhà con trưởng gọi là nhà cái hàng đích tôn của các gia đình, vì thế đều phải lập bàn thờ dòng dõi để thờ tổ tiên, thờ tượng trưng chỉ bằng mảnh ván nhỏ hoặc phên nứa bên trên để bát nước, bó vàng hương bằng gỗ chẩu chẻ nhỏ như ngón tay dài 15-20 cm. Có nơi thay gỗ chẩu bằng cái dòng dõi là cái xúc xích nan nứa cuộn tròn lồng vào nhau như cái xích có ý nghĩa là tổ tiên đời đời dòng dõi. Hàng năm 25 tết âm lịch người ta thay bát nước mới, thắp ba nén nhang khấn mời tổ tiên về ăn cỗ. Một nhà cái ở Thượng Long, Yên Lập và một nhà cái ở xã Tân Lập huyện Thanh Sơn cách đây 15 năm còn thấy họ cúng ở bàn thờ dòng dõi khấn gọi Vua Hùng đầu tiên rồi gọi đến tổ tiên cao tằng tổ khảo. Người Kinh, khác người Mường đều giữ mả tổ, lập nhà từ đường thờ tổ họ. Người Kinh khác người Mường vì có tổ chức họ. Khi xưa lịch sử luôn biến động con người nhiều khi mai danh ẩn tích lên sống ở Phú Thọ. Phần nhiều con cháu người Kinh không nhớ quê gốc, họ hàng gốc gác cũng phải giấu kín. Đến đây họ mới sinh con đẻ cái. Con cháu về sau coi các cụ đó là tổ họ. Giỗ họ hàng năm đều phải gọi tên húy tên kỵ của các cụ nên sau một vài chục đời tên các cụ vẫn lưu truyền trong con cháu. Người ta phần nhiều chỉ nhớ tên tổ họ còn các cụ khác từ đời thứ 5 đổ đi thì ít ai nhớ đến. Cũng vì có tổ chức họ nên người Việt hàng năm mới có lễ chạp họ (lễ làm vào tháng Chạp). Lễ này người Việt chỉ làm vào tuần cuối tháng Chạp, từ 25 tết đổ đi. Con cháu tề tựu ở nhà từ đường, thường là ở nhà trưởng họ để làm lễ cúng tổ tiên. Thông thường người Việt làm lễ Chạp họ nhân dịp đi quét mả, dọn vệ sinh, đắp mộ cao hơn hoặc quét vôi mồ mả tổ tiên đồng thời khấn mời các cụ về ăn tết. Khác người Kinh, người Mường không có tổ chức họ, không có nhà từ đường thờ tổ họ nên không có lễ Chạp họ, không có tục đi đắp mả, rẫy cỏ cho mồ mả vì không có mả tổ. Người Mường giống như nhiều tộc người ở rừng khác do xa xưa du canh du cư nên, người ta chỉ coi trọng phần hồn hơn phần xác. Mồ mả vì thế không được coi trọng như người Việt. Người Việt coi trọng mồ mả nên mới có câu “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”.

Tín ngưỡng gia tiên được tính từ lễ tang ma. Người Việt và người Mường chung nguồn gốc nên có cùng quan niệm chết chưa phải là hết, các hồn ma vẫn lởn vởn quanh con cháu để quở mắng hoặc phù hộ cho con cháu đang sống ở trên đời. Vì thế nhiều tục lệ tang ma khá giống nhau giữa hai nhóm tộc người này. Khi có người chết họ đều cúng ngay bằng bát cơm quả trứng, cắm đũa bông vào bát cơm. Quả trứng đẻ trên cạn là dương bát cơm bằng gạo cấy trồng trong nước là âm, thân đũa tượng hình dương tính là dương, phần bông trên đầu đũa biểu hiện vật âm. Khi cái chết cũng như mọi cái có đủ âm đủ dương thì sẽ tốt, sẽ phù hộ cho con cháu được nhiều hơn.

Do vậy phần nhiều lễ nghi tang ma của hai dân tộc khá giống nhau do quan niệm sống chết giống nhau nhưng khác nhau là ở các nghi thức cách làm riêng. Thi hài người Việt khi chết có lâu lắm cũng chỉ để trong nhà dăm bảy ngày phải mai táng. Việc làm ma to hay nhỏ là do hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình quyết định. Nhưng việc cúng to, nhỏ thì đều tuần nào tiết ấy: cúng tam nhật, cúng sóc, vọng tuần đầu, cúng 49 hoặc 100 ngày vv... Nhưng người Mường có thể để thi hài người chết ở trong nhà hai ba tháng chờ con cháu có đủ lợn, gạo, rượu mới tổ chức mai táng và làm ma cúng tế người chết.

Tục cắt tóc trả ơn có từ xa xưa nay vẫn được bảo lưu trong vùng Mường. Khi cha mẹ, ông bà quá cố con cháu quỳ quanh cái nong, một chân ở trong nong, một chân để ngoài đất. Trong nong có bát nước lã và cái kéo. Có một bà hàng xóm dùng kéo cắt tượng trưng một lọn tóc lần lượt từ người vai trên xuống người vai dưới. Người Kinh cũng nói câu “cắt tóc trả ơn” nhưng tục này đã bỏ. Người Kinh cũng có tục đem của chôn theo người chết gọi là đồ tùy táng như quần áo, con dao, cái bát, cái kính… Tục đốt vàng mã để thay cho của nả cần có cho cuộc sống người chết ở cõi âm. Về việc này người Mường làm khác, họ chia của cho người chết, đem để ở ngoài mả: gạo nước, nồi niêu, xoong chảo… Họ còn chia cho người chết gà lợn sống đem thả ngoài mả cho chúng thành thú rừng. Người Mường làm nhà mồ khá công phu. Mồ mả của người Kinh lúc hung táng đơn giản lấy “đào sâu chôn chặt” là chính. Chôn sau ba bốn năm, người Kinh lại cải táng, thay mả. Người Mường chôn xong là xong, không cải táng như người Kinh.

Do hoàn cảnh sống khác nhau nên phong tục khác nhau. Người Kinh ở vùng ngoài làm vàng hương để cúng tế. Vàng hương của người Mường khác vàng, hương của người Kinh. Hương không xe bằng thuốc thành các que, các vòng mà người ta dùng than một loại gỗ có mùi thơm khi cháy. Khi cúng đốt dăm bảy cục than trong bát để có khói thơm tỏa đi bốn phương báo các thần, các ma biết mà về dự tiệc. Vàng làm bằng gỗ chảu chẻ nhỏ như ngón tay bó thành từng bó đặt trên bàn thờ, bàn cúng cạnh cơi trầu, bát nước lã và đồ lễ khác…

Tín ngưỡng nói chung, tín ngưỡng gia tiên nói riêng đã giúp cho người Việt và người Mường  sống có đạo đức hơn, biết nhớ về tổ tiên, biết ăn quả nhớ người trồng cây, nhờ vậy mà đạo đức được vun trồng. nhưng ý nghĩa tích cực hơn là nhờ có tín ngưỡng ấy mà dân ta yêu cuộc sống hơn vì bản chất của tín ngưỡng là cầu mong sự phù hộ che chở của các hồn, các ma cho người đang sống được khỏe mạnh, sống lâu, an khang thịnh vượng.

Người trọng tín ngưỡng là người trọng sự sống, vì họ không quan tâm nhiều đến giáo lý, mà tôn giáo mới là mục đích giúp cho con người không sợ cái chết. Theo tô giáo thì chết là về sống là gửi. Tôn giáo cực đoan vì thế mới đưa con người đến nạn khủng bố. Những kẻ khủng bố, do cuồng tín nghĩ rằng giết người ngoài ý nghĩa trừng phạt còn nhằm cứu giúp con người thoát khỏi bể khổ ở đời sống trần gian này.

Ở Việt Nam ta chỉ có thể có khủng bố do chính trị, do những phần tử phản động luôn muốn gây ra khủng bố để làm rối loạn chính trị, rối loạn xã hội. Phần này thì nhờ công an giỏi, chính quyền vững mà ta chấn áp phá tan từ âm mưu của chúng. Còn nạn khủng bố do văn hóa thì không xảy ra. Người Việt nam ta do trọng tín ngưỡng, đặc biệt là tín ngưỡng gia tiên nên con người biết ăn hiền ở lành, coi mọi hành vi giết người đều là tội ác, trừ khi phải giết người để cứu dân cứu nước. Không kể bọn lưu mạnh, thần kinh giết người rồ dại, còn người Việt nói chung rất sợ việc giết người. Không có tôn giáo cực đoan, không có bọn cuồng tín nên không có bọn khủng bố do văn hóa gây ra. Đó là tình trạng chính trị ổn định xã hội thanh bình, trở thành mảnh đất tốt để phát triển kinh tế du lịch. Tín ngưỡng, đặc biệt tín ngưỡng gia tiên thực sự là di sản văn hóa dân tộc độc đáo mà ta cần phải bảo tồn và phát huy. So sánh tín ngưỡng gia tiên của hai dân tộc Kinh, Mường để thấy rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ và các giá trị của tín ngưỡng này.

Nguyễn Hữu Nhàn

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì