Nhớ Tết Xưa!

02:13 - 20/05/2017 Tin tổng hợp Admin 1071

TRUONGTOC.VN - "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" Trong khoảnh khắc của tiết trời sang xuân đọc câu đối trên chúng ta tưởng nhớ đến hương vị tết xưa ở các vùng quê trên khắp mọi miền của đất nước ta, những hương vị tết mà ngày nay trong cuộc sống hiện đại bộn bề, ồn ào, náo nhiệt chúng ta ít được gặp lại, có chăng chúng ta chỉ được hoài tưởng qua câu chuyện kể của ông bà, những người “Muôn năm cũ- thơ Vũ Đình Liên” hoặc chúng ta đọc đâu đó trong tài liệu nói về Tết của ngày xưa.

Nhớ Tết Xưa!
Nhớ Tết Xưa!

Những Tết xưa mang đậm màu sắc riêng rất cổ kính, mộc mạc, giản dị, nhưng rất thanh nhàn, chan hòa tình người. Trong thời khắc linh thiêng của trời đất và vạn vật, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chúng ta cùng hồi tưởng lại không gian của những tết xưa. Dường như đã thành quy luật, những điều khiến con người hoài niệm sẽ luôn trở nên thiêng liêng, đẹp đẽ. Bạn sẽ cảm nhận rõ điều này qua ánh mắt reo vui, qua giọng nói hồ hởi, đôi lúc chùng xuống như thầm tiếc nuối… của những ai từng một thời được sống trong không khí Tết xưa.

Cái vòng tuần hoàn của chu kỳ trời đất năm nào cũng đến. Ấy vậy mà khi đứng trước khí trời se lạnh cùng những hạt mưa xuân lất phất vương trên những nụ đào, lại thấy lòng xốn xang lạ thường! Và còn bồi hồi, nao lòng hơn nữa khi hình ảnh của xuân xưa cùng những kỷ niệm về Tết cổ truyền dân tộc cứ ùa về. Ngày ấy, tuy điều kiện vật chất còn hạn chế nhưng chẳng thể làm phai nhạt không khí rộn ràng của những ngày Tết đến xuân về. Thậm chí, “hồn xuân” trong lòng người còn tới sớm hơn cả sắc xuân đất trời. Trong thời khắc chuyển giao này chúng ta cùng nhớ về không gian của tết xưa

Vài tháng trước Tết, không khí chuẩn bị cho một cái tết bắt đầu rục rịch, báo người ta đã lo sắm khi… càng cận kề ngày tết không khí càng tấp nập, còn tụi trẻ đếm ngày đếm tháng trông chờ đến Tết. Cứ thế, cứ thế, rồi cũng đến lúc Tết cận kề bên mình.

Khi đến những ngày giáp Tết, khung cảnh nhộn nhịp khác thường các cụ đồ nho đội khăn xếp, mặc áo the thâm, ngồi viết thuê câu đối lên những đôi liễn dài hoặc giấy hồng điều. Trong các chợ bầy bán các mặt hàng như guốc tre, guốc gỗ, guốc phi mã, giầy da, giầy nhung, giầy cườm, nổi bật là các loại tranh dân gian làng Đông Hồ, Hàng Trống vẽ gà, lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen... in bằng phẩm điều, phẩm lục, trên các phố phường rực rỡ đào bích, đào phai, cúc vàng, cúc trắng, quất trĩu quả, bán thủy tiên gọt sẵn, chậu trổ hoa, đặt trong bát nước, cả hương thẻ, hương vòng, hương trầm, nến trắng, nến đỏ.

Nhớ lắm cái khung cảnh cả gia đình tíu tít dọn dẹp nhà cửa, Mọi thứ trong nhà được lau chùi sạch sẽ, đến cái xoong, cái chảo cũng được mang ra cọ rửa sáng bong. Ngôi nhà vì thế như được khoác lên mình chiếc áo mới. rồi chuyện chuẩn bị thực phẩm chế biến nào mứt quất, mứt cà chua hay ô mai khế, nào thịt đông, hành muối, dự trữ cái chân giò tới cả súp lơ, củ su hào

Nhà nào cũng tấp nập sửa soạn. Đàn ông, con trai lớn thu dọn nhà cửa, quét vôi, đánh bóng đồ đồng, treo tranh, câu đối mới, lau quét bàn thờ tổ tiên, bày phật thủ, cam Bố Hạ, bưởi Đoan Hùng, chuối ngự Nam Định, quất Tứ Liên lên khay ngũ quả, dâng lên trời đất, tổ tiên, ông bà để tỏ lòng thành kính "ăn quả nhớ người trồng cây". Các bà, các cô lo việc ăn Tết. Vại dưa hành muối từ tháng chạp, gạo tám thơm nấu bằng nồi đất mới dẻo. Ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Trên bàn thờ có ba chiếc mũ mới bằng giấy: một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên - tức hai ông, một bà - không có cỗ mặn, chỉ cúng hương hoa, sau có con cá chép đang bơi trong chậu thau, cúng xong đem thả ở ao, hồ

Nhân dịp năm mới, cha mẹ cho con đến nhà lễ tết thầy cô giáo, sang thì gà gạo, chai rượu, hộp bích quy Pháp, vừa phải thì cân mứt sen, mứt lạc, hồng tàu, táo tàu khô, đường phèn, chục cam Xã Đoài, cốt ở tấm lòng tôn sư trọng đạo.

Trước Tết dăm ba ngày, nhiều cửa hiệu đã đóng cửa, nghỉ, ở vùng quê nông thôn mọi người tạm gác lại việc đồng áng. Chiều 30, mọi nhà treo cành đa, lá dứa, vẽ cung tên bằng vôi trừ ma quỷ, trồng cây nêu trước sân nhà - cây tre nhỏ đủ lá, ngọn cao khoảng 3m trên ngọn buộc lá bùa bát quái vẽ trên giấy hồng điều, một lá phướn bằng vải đỏ viết 4 chữ nôm "Thiên hạ thái bình" và những chiếc khánh bằng đất nung gặp gió, va vào nhau kêu lanh canh. Chân nêu vẽ cung tên bằng vôi chĩa ra phía cổng, ngăn chặn hung thần.

Trong ngày 30 con cháu trong gia đình đi tảo mộ phần mộ gia tiên, con cháu kính cẩn tảo mộ, thắp hương, mời ông bà, tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Ngày 29, 30 mọi nhà đều chuẩn bị thực phẩm cho ngày tết, những con lợn được giết thịt ngả ra, nhà nào khá rả thì ngả hẳn một con, nhà nào kinh tế eo hẹp thì mấy nhà chung một con, để cốt làm sao “ngày 30 tết thịt treo trong nhà” nhà nào cũng bận gói bánh chưng, nấu chè đỗ đãi... và làm đồ cúng gia tiên. Nhớ về không khí gói bánh chưng và đi đánh đụng thịt lợn nhà hàng xóm. Để có một con lợn mổ ngày tết, mấy nhà xung quanh đã phân công một nhà nào đó có trách nhiệm nuôi lợn, để sao vào dịp tết là có thịt cho mọi nhà gói bánh, giã giò, nấu thịt đông. Đến ngày 27 tháng chạp vào phiên chợ huyện là mấy bác, mấy chú hàng xóm vật chú lợn ra thịt. Nhà nào nào cũng phải có một người đến để thịt lợn. Sau đó con lợn được chia đều nên không thiếu thứ gì: một ít xương sườn, xương cục, thịt ba rọi về gói bánh, thịt mông về kho tàu, thịt vai về nấu đông, thịt đầu để gói giò thủ, một ít thịt chân giò, một ít tiết, một ít lòng lợn rồi lễ mễ khiêng về. Còn công việc gói bánh chưng, gạo, đỗ đã được ngâm từ hôm trước, lá rong đã được rửa để có thịt về là gói bánh. Gói bánh từ sáng đến tới tầm cuối giờ chiều là xong vài chục cái bánh,và bao giờ cũng có vài cái bánh nhỏ để cho trẻ con.Và công việc nấu bánh bắt đầu. Để có củi nấu bánh, phải chuẩn bị từ rất lâu, trước cả mấy tháng, rồi cất vào góc bếp, nào là những gốc tre khô, cây gỗ. Cái nồi nấu bánh cũng phải đi hỏi từ rất lâu, để chủ của nó còn xếp lịch cho từng nhà, nên nhà nào gói bánh muộn hay sớm đều tùy thuộc vào cái nồi đó. Trẻ con rất háo hức với cái màn nấu này, để chờ cái bánh nhỏ của mình, ăn cơm tối cũng vác ra ngồi cạnh bếp ăn. Khi người lớn tạm xong mọi việc chế biến đồ ăn cũng ra ngồi trông bánh và bắt đầu kể chuyện cho trẻ con nghe, hết Tống Trân Cúc Hoa lại tới Phạm Công Cúc Hoa, rồi đến chuyện ông bà đi hoạt động cách mạng, bị bắt ra sao, bị tra tấn như thế nào, nuôi giấu cán bộ ở hầm dưới ngầm giường. Đến lúc trẻ con ngủ lúc nào không hay, sáng ra thì thấy đã nằm trên giường rồi. Câu đầu tiên là: bà ơi, ông ơi bánh của cháu chín chưa. Thức dậy đã thấy mọi ngưởi đang ép bánh bằng mấy thùng nước. Đến trưa là có bánh nhỏ của mình, nhưng bà bảo để bà mang lên cúng các cụ đã rồi hãy bóc. Sướng lắm, đi khoe khắp xóm. Hạnh phúc ngày đó chỉ đơn giản như thế thôi, nhưng ngày nay làm gì có được.
 


Mâm cỗ cúng gia tiên ngoài thịt gà luộc, giò, chả, là chủ đạo, còn có miến tàu, thịt ba chỉ ninh với măng khô, nhà sang có thêm mấy bát bào ngư, vây cá, yến. Bên cạnh đặt chai rượu cút, rượu Mai Quế Lộ hoặc rượu trắng nổi tiếng của làng Hoàng Mai, tuần hương sắp tàn, pha nước cúng, thứ trà ướp hương sen, hương thủy tiên, tuần hương tắt hẳn mới hạ cỗ xuống, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm, con cháu mời ông bà, cha mẹ, mới cầm đũa.

Còn tết đối với những gia đình chịu cảnh nợ nần. Giữa đêm năm cùng tháng tận, tai họa giáng xuống đầu nhà nghèo, chủ nợ cho người đến réo ở cửa phải trốn biệt, người nhà chủ nợ bắt đi cái gì có thể bắt được, những người khốn khổ không có nổi nén hương cúng tổ tiên

Rồi giao thừa đến. Chuông trống đền chùa khua vang. Tiếng pháo đùng pháo , pháo tép rộn rã đón xuân xua đuổi điều không may của năm cũ, chào đón điều lành của năm mới. Nghĩ về những xác pháo lại hoài niệm về 1 thời đã qua. Cái hồi còn bé tí, sáng sớm ngày mùng 1 tết đi nhặt pháo bị xịt. Nhiều nhà nghèo lắm, lo được 1 cái tết cho con cái đã là một sự hạnh phúc vô bờ bến đối với ông bà, cha mẹ chứ làm gì có tiền mà mua pháo dù thương cháu. Biết thế nên ông bà dặn từ hôm trước, chờ nhà người ta có khách xông nhà rồi hãy vào, không họ lại mắng cho không biết dạy con cháu, vì vậy  cả buổi sáng hôm đó lượn đi lượn lại trước ngõ mấy nhà hàng xóm,chờ có người bước vào đầu tiên là chạy tót ngay vào, bới bới đám xác pháo xem còn quả nào không nổ được là nhặt ngay trong niềm hạnh phúc tột độ, như được người lớn mừng tuổi. Đấy là gia tài quý báu của tuổi thơ mà đến bây giờ khi nhớ lại vẫn còn rưng rưng. Sau đó những quả pháo xịt đó mang về bóc ra, lấy thuốc pháo bên trong đổ vào cái lon vỏ sữa ông thọ. Cũng làm cái ngòi nổ, nối xa lắm, rồi còn đốt hương cho cháy dần chứ ko dám châm nửa trực tiếp. Nghe tiếng nổ bụp một cái là nhảy lên reo hò ầm ĩ. Ôi, một thời vất vả nhưng vui và nhớ.
 


 

Trong không khí của những ngày giáp tết đang đến gần. Mỗi khi tết về lại nhớ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ cái không khí...tiếng pháo nổ đì đùng, mùi khói pháo thơm nồng lưu huỳnh, quyện với mùi nhang trầm cúng 23 tháng Chạp, cúng Giao thừa...trong cái thời tiết se se lạnh, lất phất mưa phùn. Và cái cảm xúc bâng khuâng ấy không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm thức những ai đã từng được hòa mình trong không gian ấy... Giữa giờ phút thiêng liêng của đất trời vào xuân, nhà nào cũng đốt đèn nến, thắp tuần hương mới, khấn vái tổ tiên phù hộ cho khỏe mạnh buôn bán phát tài, con cái học hành tấn tới. Rất nhiều nhà còn đặt mâm lễ ngoài trời để cúng vái tạ ơn quan cũ về trời, đón mừng quan mới vừa tới. Nhìn vào hai cốc pha lê đặt thủy tiên, hôm qua hoa còn hàm tiếu, giờ đã nở đúng giao thừa, tỏa hương thơm ngát, coi như thế là điềm lành cho cả năm.

Sau phút giao thừa mọi người đi lễ chùa đầu xuân để cầu cho bản thân và gia đình sang năm mới manh khỏe, gặp nhiều may mắn, gặp ai cũng chúc nhau mạnh khỏe, may mắn, sau đó mọi người hái lộc đầu xuân, hầu như trên tay ai cũng có một cành lộc để cầu cho năm mới có nhiều điều may mắn.   

Cúng gia tiên đủ ba ngày Tết, buổi sáng cúng cỗ mặn với những món đã làm sẵn, buổi chiều bánh mứt và pha trà mới, chiều mùng ba hóa vàng.

Sáng mồng một, những người giàu có, đông con, giàu lòng nhân ái vui vẻ đến xông nhà và chúc Tết nhà ai, nhà đó coi như cả năm làm ăn phát đạt. Bên chén trà đầu xuân, khách và chủ nói chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện văn thơ, khai bút...

Cứ thế, ba ngày Tết, ai cũng mặc đẹp, đi chúc Tết, không quên mừng tuổi cho các cháu nhỏ. Và trong ba ngày Tết, mọi nhà đều giữ phong tục kiêng quét nhà hốt rác bởi nết hốt rác là đổ của đi nên không ai dám vứt rác bừa bãi. Ở thành thị sau ba ngày Tết, các cửa hiệu chọn ngày tốt, cúng ông tiền chủ, để mở cửa hàng lấy may.

Trong cuộc sống ngày nay đôi khi vật chất tiền tài khá hơn ngày xưa nhưng ai cũng thèm được sống lại cái không khí đơn sơ ấm cúng của những ngày nào, tiếng pháo tết giòn giã, nồi bánh chưng đỏ lửa thâu đêm, những trò chơi tết của lũ trẻ (bầu cua, tài xỉu, đánh đu...) hay đơn giản là cùng bạn bè đi chợ Tết quê, khấp khởi mong nhận được bao lì xì đỏ xinh ....Nhưng giờ đây, tất cả đã là những hoài niệm khó có thể tìm lại được...

Trong không khí của những ngày giáp tết chúng ta cùng hướng về Tết cổ truyền của dân tộc. Trong đó khắc sâu đậm nhất trong mỗi con dân đất Việt đó là hương vị của tết cổ truyền, hương vị đó chính yếu nhất nằm trong đời sống tâm linh, tập trung ở việc tưởng nhớ công ơn tiên tổ và mong ước tương lai tốt đẹp cho con cháu. Thành kính chắp tay trước bàn thờ gia tiên, trong hương trầm man mác, cuộc sống thực tạm lãng quên để nhập vào cuộc sống hài hòa, liền mạch giống nòi thấm đẫm tình nhân ái cao sâu, mong ước giống nòi bền vững.

Mỗi khi tết đến xuân về lại chợt nhớ Tết xưa da diết, dù rằng lại một mùa xuân nữa đang đến gần. Lại nhớ, và lại thèm cái cảm giác giáp Tết của những ngày xưa

Trương Quốc Chính. 0913070587. Email: Quocchinh_cand@yahoo.com.vn

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì