Trước hết, chúng ta hãy làm rõ nội hàm của khái niệm tổ tiên và thờ cúng tổ tiên.
Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống nhưng đã mất như cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ... - những người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của thế hệ những người đang sống.
Tổ tiên trong xã hội nguyên thuỷ có nguồn gốc là tổ tiên tôtem giáo của thị tộc bộ lạc. Tổ tiên tôtem giáo thời kỳ thị tộc mẫu hệ là những vật trong tự nhiên, có mối quan hệ mật thiết với con người và khi được thần thánh, thiêng liêng hoá thì được coi là tôtem (vật tổ) của thị tộc, bộ lạc. Thời kỳ thị tộc phụ hệ, tổ tiên là những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự... đầy quyền uy.
Tổ tiên trong xã hội có giai cấp được thể hiện đầy đủ hơn. Họ thường là những người giữ địa vị chủ gia đình, gia tộc đã mất, có quyền thừa kế và di chúc tài sản được luật pháp và xã hội thừa nhận.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, khái niệm tổ tiên cũng có sự biến đổi, phát triển. Nó không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống - gia đình, họ tộc... mà đã mở rộng ra phạm vi cộng đồng, xã hội. Sự hình thành và phát triển của các quốc gia, dân tộc thường gắn liền với tên tuổi của những người có công tạo dựng, giữ gìn cuộc sống của cộng đồng. Họ là những anh hùng, danh nhân mà khi sống được tôn sùng, kính nể, khi mất được tưởng nhớ, thờ phụng trong các không gian tôn giáo. Ở Việt Nam, họ là những tổ sư tổ nghề, thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá...
Thờ cúng tổ tiên là hoạt động có ý thức của con người, là tổng thể phức hợp của ý thức về tổ tiên, biểu tượng về tổ tiên và nghi lễ thờ phụng.
Thờ là yếu tố thuộc ý thức về tổ tiên, là tình cảm biết ơn, tưởng nhớ, hướng về cội nguồn, quá khứ. Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên. Cơ sở của sự hình thành ý thức về tổ tiên là niềm tin về linh hồn tổ tiên còn sống, có thể che chở, phù hộ độ trì cho con cháu. Biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh về những người tài giỏi, có công, có đức. Trên bàn thờ tổ tiên thường có bài vị, tượng, ảnh được bày đặt cầu kỳ, trang trọng.
Cúng là yếu tố mang tính nghi lễ, là sự thực hành một loạt động tác (khấn, vái, quì, lạy ) của người gia trưởng, tộc trưởng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Thờ và cúng là hai yếu tố có tác động qua lại và tạo nên chỉnh thể riêng biệt - đó là sự thờ phụng tổ tiên . Sự “thờ”, “tôn thờ” là nội dung, còn hoạt động cúng” là hình thức biểu đạt của nội dung thờ cúng.Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn, tưởng nhớ, hy vọng sự trợ giúp của tổ tiên là nội dung cốt lõi, là cái chủ yếu khiến sự thờ phụng tổ tiên thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có “nhờ” mà chỉ có “cúng” thì sự thờ phụng tổ tiên không có “hồn thiêng”, không có sức hấp dẫn nội tại dễ thành nhạt nhẽo và do vậy, không thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Sự “cúng” tuy chỉ là hình thức biểu đạt, song nó tôn vẻ linh thiêng, huyền bí, mờ ảo và tạo nên sức hấp dẫn. Nó chính là chất kết dính, tạo nên màu sắc thoả mãn niềm tin của chủ thể thờ cúng.
Trong xã hội nguyên thuỷ, ý thức về tổ tiên là một yếu tố của ý thức xã hội nguyên thuỷ, phản ánh sự bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên.
Về sau, cùng với lực lượng tự nhiên là lực lượng mang tính xã hội, như sự áp bức, bóc lột giai cấp... luôn thống trị lên cuộc sống hàng ngày của con người. Bế tắc trong cuộc sống hiện thực, con người tìm sự giải thoát trong cuộc sống tinh thần. Cùng với các biểu tượng về thần linh, biểu tượng về tôtem đã xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Đặc điểm chủ yếu của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ này là việc thờ tổ tiên tôtem giáo.
Sang thời kỳ thị tộc phụ hệ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phản ánh sự thay đổi trong phân công lao động xã hội. Người đàn ông giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế. Họ là những người vừa có quyền lực thế tục, vữa có uy tín, được quyền nắm giữ việc thờ cúng các thần, trong đó có tổ tiên đã chết. Đối tượng thờ cúng thời kỳ này được chuyển từ tổ tiên tôtem sang tổ tiên thật, cùng huyết thống đã chết.
Như vậy, có thể xem nguồn gốc xã hội sâu xa mang tính khách quan của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở tính hạn chế của lực lượng sản xuất và kèm theo đó là sự hạn chế, tù túng trong quan hệ kép giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người trong xã hội. Còn nguồn gốc trực tiếp, mang tính xã hội của nó là sự phân hoá xã hội mà hệ quả của sự phân hoá ấy là việc đề cao vai trò của người đứng đầu trong gia đình - thị tộc. Những người này, dựa vào uy tín của mình để củng cố và thiêng liêng hoá sự thờ cúng tổ tiên đã có manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, sự áp bức, bóc lột giai cấp, sự bất công xã hội đã khiến cho con người không có lối thoát hiện thực phải đi tìm sự trợ giúp của tổ tiên cũng là những nguồn gốc xã hội quan trọng làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó nhận thức của con người cũng là một nguồn gốc quan trọng trong quá trình hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người nguyên thuỷ tin rằng con người sau khi chết, linh hồn vẫn tiếp tục sống. Ý niệm về linh hồn là một trong những yếu tố cơ bản nằm trong các phức hợp, biểu tượng về tổ tiên và là một đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Một yếu tố tư tưởng khác, có phần xa xưa hơn với ý niệm về linh hồn, có ảnh hưởng tới sự phát triển các biểu tượng về tổ tiên là hình ảnh tổ tiên tôtem giáo, hình ảnh thần che chở cho gia đình, thị tộc.
Nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo, như Ph.Ăng ghen đã chỉ rõ, “tôn giáo sinh ra trong một thời đại hết sức nguyên thuỷ, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thuỷ của con người về bản chất của chính họ và về giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”(1), cũng đúng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tư tưởng tôn thờ tổ tiên được xây dựng trên những vật liệu là những quan niệm, nhận thức ấu trĩ , thơ ngây về linh hồn người chết, về tổ tiên tôtem giáo, về các thần che chở cho gia đình, thị tộc. Thêm vào đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được hình thành trên cơ sở tâm lý, tình cảm mang tính tôn giáo của cá nhân, cộng đồng người trong xã hội.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Niềm tin ấy bắt nguồn từ ước muốn mang tính bản năng - ước muốn trường thọ của con người. Chính con người đã thiêng liêng hoá tình cảm thương, thái độ kính trọng người có công tạo dựng cuộc sống. Trong cuộc sống, con người không những chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu, mà còn tiếp xúc với cái vô hình, trừu tượng, mông lung, chỉ được con người cảm nhận, linh cảm chứ không thể lý giải được bằng lý trí. Niềm tin vào sự hiện tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, nhiều khi còn là cứu cánh, là sự giải toả nỗi cô đơn, bất hạnh của con người trước cái chết. Bằng nghi lễ thờ cúng tổ tiên, con người thể hiện một cách suy nghĩ về cái chết và cuộc sống sau khi chết, giải toả nỗi kinh sợ khi phải đối mặt với nó.
Trong chế độ phụ quyền, quyền hành của gia trưởng, tộc trưởng còn làm phát sinh ở con cháu cảm giác sợ hãi, qui thuận. Cảm giác này được nuôi dưỡng, di truyền thông qua các thế hệ và thậm chí được chuyển sang thế giới bên kia với quan niệm rằng, người chết vẫn có thể trừng phạt con cháu. Tổ tiên cũng giống như các vị thần linh khác có thể giáng tai hoạ xuống con cháu, vì thế cần phải kính trọng, thờ cúng thường xuyên thì tổ tiên mới không làm hại, mới che chở, bảo vệ, phù giúp.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu. Quan hệ giữa bố mẹ đang sống với con cái là hiện thân của mối quan hệ giữa tổ tiên với con cháu sau này. Sự kính hiếu cha mẹ được tiếp nối bằng sự tôn thờ, sùng bái tổ tiên. Bổn phận kính trọng, báo hiếu, đền ơn công sinh thành dưỡng… dục của bố mẹ cũng là bổn phận báo hiếu, ơn đền tổ tiên. Thờ phụng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, sự thành kính biết ơn các bậc đã sinh thành, nuôi nấng và tác thành cho mình. Tuy nhiên, con cháu chỉ được tổ tiên bao dung, che chở khi sống xứng đáng với ước nguyện của tổ tiên. Mặt khác, con cháu chỉ tôn kính, qui thuận và thờ phụng tổ tiên khi tổ tiên xứng đáng là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Nếu ai, trong quá khứ có hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng họ tộc và gia đình, chẳng những không được kính trọng, tôn thờ mà còn bị nguyền rủa, trừng phạt.
Trên đây là những nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Song để làm sáng tỏ vấn đề, cần thiết phải xem xét những đặc trưng chủ yếu nhất, tức là bản chất của nó.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng giống như các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác là sự phản ánh sai lệch hiện thực, là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ (2). Lực lượng xa lạ bên ngoài, ở đây là tổ tiên trong thế giới vô hình. Tổ tiên đã mất là đối tượng phản ánh nhằm đáp ứng, thoả mãn sự thiếu hụt tinh thần của những người đang sống. Tổ tiên khi còn sống. Tổ tiên kh còn sống thì “khôn”, đến lúc chết thì “thiêng”, vẫn ngự trên bàn thờ, vừa gần gũi vừa xa lạ, linh thiêng. Con cháu thành kính, tôn thờ tổ tiên là tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Ý thức về tổ tiên là ý thức về cội nguồn. Thờ cúng tổ tiên là sự phản ánh liên tục của thời gian, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống là bất diệt, chết không phải là hết. Các thế hệ tiếp nối nhau, chết chỉ là sự bắt đấu của chu kỳ sinh mới.
Tổ tiên được gắn cho sức mạnh siêu nhiên. Đó chính là sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá bắt nguồn từ quan niệm về sự bất diệt của linh hồn. Sự thiêng liêng hoá, thần thánh hoá tổ tiên là sự tưởng tượng, song lại có cội nguồn từ cuộc sống hiện thực. Ý thức về tổ tiên hình thành và tồn tại giúp con người vượt qua cái trần tục, đời thường, thúc đẩy sự tìm tòi, vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước, khắc phục sự hẫng hụt về tinh thần. Xét về mặt đạo đức, ý thức về tổ tiên mang giá trị nhân văn sâu sắc, nó phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong cộng đồng xã hội.
Ngoài biểu tượng về linh hồn tổ tiên, biểu tượng tổ tiên tôtem, biểu tượng về các thần che chở cũng là nội dung tư tưởng của ý thức về tổ tiên. Ý niệm về tổ tiên tôtem tạo cho người ta hình ảnh mơ hồ, xa lạ, linh thiêng của tổ tiên. Còn ý niệm về thần che chở tạo cho người ta cảm giác yên tâm.
Xét về mặt nhận thức luận, chủ thể nhận thức và phản ánh là người sống, khách thể được nhận thức và phản ánh là tổ tiên đã mất. Xét về mặt xã hội, đó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng, là kết quả tất yếu của quá trình phân hoá xã hội, từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền. Bản chất xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện rõ nét trong nội dung, đối tượng và hình thức phản ánh, được qui định bởi các nguồn gốc xã hội, nhận thức và tâm lý của nó.
Đặc trưng chỉ nó nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là ở chỗ, nó là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, một hiện tượng lịch sử - xã hội và văn hoá thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là sự phản ảnh tồn tại xã hội, chịu sự qui định của tồn tại xã hội, có tính độc lập tương đối, được hình thành rất sớm và còn tồn tại lâu dài trong xã hội. Nguồn gốc và bản chất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gắn quyện vào nhau, tạo thành nét đặc thù của loại_hình tín ngưỡng này.
Như vậy, có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, gắn liền với tập tục văn hoá, đạo đức trên cơ sở của niềm tin cho rằng, tổ tiên đã chết sẽ che chở, phù giúp cho con cháu, là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người gia trưởng và được thể hiện thông qua nghi lễ thờ cúng theo quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi con người, của mỗi gia đình và mỗi cộng đồng xã hội.
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì