Nghệ nhân Trương Văn Lập (Cửu Lập) và các tác phẩm khảm sành sứ độc đáo về Chủ tịch Hồ Chí Minh

21:56 - 21/05/2017 Người họ Trương Admin 996

Từ sự thiết thực của nhu cầu trang  trí mà các nghệ nhân đã sử dụng mảnh sứ được khảm ghép trang trí cùng với nề họa ở các chùa chiền, am miếu, bình phong, bể cạn trong các làng xã ở Huế. Dưới thời các chúa Nguyễn, chất liệu khảm sành sứ đã được sử dụng trong trang trí phủ chúa với những phù điêu đắp nổi gồ ghề mang hơi hướng Chàm, từ dân gian, chất liệu đơn giản, dể kiếm này đã len lỏi và có mặt trong trang trí kiến trúc của nhà nước.

Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học LÊ QUÝ ĐÔN đã mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII và cho biết chất liệu khảm sứ đã được sử dụng: “vườn sau thì núi giả sơn đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sành sứ đắp thành hình Rồng phượng, lân hổ cỏ hoa”. Nghệ thuật khảm sành sứ đóng một vai trò quan trọng trong trang trí kiến trúc cung đình Huế, những cung Thiên Định (lăng Khải Định), cung Trường Sanh, cổng Hiển Nhân, cổng Chương Đức, cung An Định...  trở nên lộng lẫy cao sang một phần là nhờ nghệ thuật khảm sứ, nhờ bàn tay vàng của các nghệ nhân thời Nguyễn.

Trong số các nghệ nhân khảm sành sứ tại cố đô Huế, lịch sử mãi ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân của dòng họ Trương Văn, mà Trương Văn Lập (người được triều đình Nguyễn thời vua Bảo Đại phong hàm “Cửu phẩm” vào năm 1936, nên còn gọi là Cửu Lập) là một trong những người tiêu biểu nhất.  Từ thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), những nghệ nhân tài ba này của họ Trương đã được triều đình nhà Nguyễn trưng tập vào “Nề Ngõa tượng cục” để phục vụ việc xây dựng, trang trí nề vữa, khảm sành sứ cho các phủ đệ, cung điện, lăng tẩm của vua và quan lại .

Tại kinh đô Huế, họ đã kết hợp với các thợ nề vữa, khảm sứ để tiếp nhận những kỹ thuật khác tiếp tục nâng cao nghệ thuật độc đáo đã tồn tại từ thế kỷ XVII ở vùng Thuận Hóa. Đến đời vua Khải Định (1917 - 1925), dòng họ Trương Văn đã có nhiều thợ lành nghề được đưa vào nội. Một trong những nghệ nhân đó là cụ thân sinh của bác Lập, được triều đình phong hàm “Bát phẩm” - người mà bà con gọi một cách kính cẩn là “Cụ Bát Mười”. Lúc này cụ là một trong những nghệ nhân khảm sành tại lăng Khải Định. Bấy giờ bác Lập là cậu bé 15 tuổi, được cha đưa đến lăng phụ việc. Từ đó Bác đã tự học hỏi, đi sâu vào nghề, nắm bắt những phương pháp, kỹ thuật khảm sứ để rồi chỉ một thời gian sau đã trở thành một nghệ nhân khảm sành sứ có tên tuổi. Nghề khảm sành sứ là một nghề đòi hỏi không chỉ sự say mê, tài năng mà còn cả lòng kiên trì, sự khéo léo và niềm tin vào bản thân và tác phẩm của mình.

Sau năm 1975, họa sỹ Vũ Trung Lương- Hiệu trưởng trường CĐ Mỹ thuật  Huế (nay là ĐH Nghệ thuật) đã mời nghệ nhân Trương Văn Lập (đến dạy truyền nghề cho sinh viên kỹ thuật khảm sành sứ. Cũng từ đó việc ứng dụng chất liệu đặc sắc này vào sáng tác tranh hiện đại được các giảng viên và sinh viên quan tâm, tạo được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và ấn tượng thẩm mỹ tốt đẹp, trong đó có những tác phẩm về chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo và hiếm quý trong nghệ thuật Việt Nam hiện đại.    

Đã gần 30 năm nay, CBGV và SV trường Đại học Nghệ thuật Huế quen thuộc với hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu khảm sành sứ màu treo ở sảnh chính của trường tại Đại Nội và khi trường chuyển ra ổn định tại khu vực hồ Tịnh Tâm thì hình ảnh Bác Hồ vẫn là hình tượng cao quý đặt trang trọng trên cổng chính của trường. Đây là một tác phẩm mỹ thuật gắn liền với một thời kỳ xây dựng và phát triển quan trọng của Nhà trường do nghệ nhân Cửu Lập và hoạ sỹ Dương Đình Sang sáng tạo nên trong những năm đầu của thập kỷ 80.

Có thể nói bác Cửu Lập là người đã tạo ra cảm hứng cho việc ứng dụng kỹ thuật khảm sành sứ vào sáng tác tranh hiện đại bằng chính các tác phẩm của bác và cộng tác với nhiều họa sĩ khác. Từ năm 1976 đến năm 1982, bác Cửu Lập về dạy nghề và sáng tác, thử nghiệm một số đề tài tranh hiện đại bằng chất liệu và kỹ thuật khảm sứ truyền thống. Bác đã truyền nghề cho nhiều thế hệ sinh viên khoa điêu khắc và cùng với các giảng viên thực hiện được nhiều tác phẩm  như “Chân dung Hồ Chủ Tịch” (phác thảo của họa sĩ Dương Đình Sang), “Chiếc áo Bác Hồ” (tham gia phác thảo của họa sĩ Vĩnh Phối), “Bác Hồ đi công tác”, “Bát tiên”, Họa sĩ tranh hoành tráng Lê Hải Anh bấy giờ là giảng viên khoa Hội họa đã vận dụng chất liệu sành sứ sáng tác nên bức tranh Bản giao hưởng anh hùng đoạt giải ba Triển lãm mỹ thuật Toàn Quốc 1980.... Nhiều sinh viên đã từ sự truyền nghề chu đáo, đầy tâm huyết của Bác sáng tác nên những tranh khảm sành sứ có chất lượng nghệ thuật như Nguyễn Hiền, Võ Minh Hòa, Lê Phi Trường..

Đối với bác Cửu Lập, ấn tượng hơn cả và thành công về nghệ thuật là bức Chân dung Hồ Chủ Tịch thuần khiết bằng chất sành sứ màu. Có thể coi đây là tác phẩm được tạo nên bởi sự phối hợp phong cách mỹ thuật truyền thống, chất liệu tạo hình dân gian với kỹ pháp tạo hình cắt mảng hiện đại. Nếu nói về kỹ thuật chất liệu thì bàn tay vàng của bác Cửu Lập đã làm nên độ chính xác của hình thể, sự trong sáng của hình ảnh Hồ Chí Minh, còn nói về cái mới và hiện đại thì phải nói đến sự nhạy cảm, tinh tế và tài hoa của họa sĩ Dương Đình Sang qua phác thảo rất cận trọng, thi vị và đầy khí chất thời đại của ông. Chính sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa một nghệ nhân khảm sành sứ bậc thầy, người được Nhà nuớc phong tặng nghệ nhân Bàn tay vàng vào năm 1993  với một họa sĩ trẻ hiện đại, sự hiểu nhau của họ trong bút pháp diễn tả và tình cảm sâu đậm, chân thành với Bác Hồ đã làm nên tác phẩm quý giá này. Có thể nói đây là tác phẩm chân dung Bác Hồ duy nhất ở Việt Nam được làm bằng chất liệu khảm sành sứ với kích thước 2m x 1m30 lớn như thế. Hiện nay tranh được treo trân trọng ở sảnh chính của Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
 


Tác phẩm: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tranh ghép sành sứ của Nghệ nhân Trương Văn Lập

 

Bức tranh thứ hai của bác Cửu Lập là Bác Hồ đi công tác với sự tham gia phác thảo của PGS. Họa sĩ Vĩnh Phối bấy giờ là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Khác với tranh Chân dung Hồ Chủ Tịch, bức Bác Hồ đi công tác thể hiện qua ảnh tư liệu lịch sử, sự chuyển thể từ ảnh qua chất liệu khảm sành sứ phải qua nhiều bước, nhiều loạt phác thảo khác nhau. Tuy nhiên phần chính là do bác Cửu Lập thể hiện, vì vậy phong cách bút pháp rất dân gian, gần với những điển tích của Bát Tiên với hình họa tối giản, màu sứ nghiêng về nâu lục và sự diển tả cũng có phần tự nhiên hơn. Do tính biểu cảm độc đáo và ánh sắc cố hữu của sứ màu mà hình ảnh Bác Hồ đi công tác đã được thể hiện bằng cái nhìn rung cảm khác lạ hơn, đa dạng hơn về cấu trúc so với bức ảnh góc nổi tiếng này. Tranh này hiện lưu tại Từ đường dòng họ Trương ở đường Cao Bá Quát- Thành phố Huế.

Bức thứ 3 cũng khá thành công của bác Cửu Lập là bức “Chiếc áo Bác Hồ”, đây là tác phẩm được gợi cảm hứng từ câu chuyện Bác Hồ tặng cho CBCS Công an Bình trị Thiên  chiếc áo ấm trong kháng chiến chống Pháp. Bức tranh này hiện đang bày tại Nhà truyền thống Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có thể nói hình tượng Bác Hồ từ lâu đã là nguồn cảm hướng sáng tạo với tình cảm yêu quý đặc biệt chân thành và sâu lắng trong nhiều thế hệ họa sỹ Việt Nam. Nhưng có lẽ chỉ có ở Huế, với những tác phẩm khảm sứ của nghệ nhân Cửu Lập mới có sự độc đáo riêng biệt như thế, bởi đó là những tác phẩm được làm từ chất liệu nghệ thuật dân gian đã cung đình hóa độc đáo và được làm bởi người nghệ nhân có bàn tay vàng Trương Văn Lập và sự hỗ trợ của các giảng viên trường ĐH Nghệ thuật Huế. Đó cũng chính là sự biểu lộ tình cảm sâu nặng của CBGV trường ĐH Nghệ thuật Huế nói chung và bác Cưủ Lập nói riêng đối với người lãnh tụ kính yêu của dân tộc –Chủ Tịch Hồ Chí Minh./.

 

Bài và ảnh: TS Phan Thanh Bình
Hiệu trưởng trường Đại học nghệ thuật Huế

Những tin cũ hơn

Trương Chí Công – Tiến Sĩ trẻ người Việt tại Đại Học Cambridge, Vương quốc Anh.

Trương Chí Công – Tiến Sĩ trẻ người Việt tại Đại Học Cambridge, Vương quốc Anh.

— 21 Tháng Năm 2017

Trương Chí Công, sinh năm 1984, tuổi Giáp Tý, em sinh tại Việt Nam, sinh sống và học tập tại thành phố Odessa, Cộng hòa Ucraina. Em là con cháu đời thứ 7 của chi họ Trương ở thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, là con cả trong gia đình, bố là ông Trương Văn Hùng hiện đang công tác tại hội người Việt tại Ukraina và là bí thư Đảng ủy khối người Việt tại thành phố Odessa, nước Cộng hòa Ukraina, mẹ là bà Trịnh Thị Kim Vân. Trương Chí Công là anh trai của LinDa Trương – Trương Mai Nhật Linh, vận động viên thể dục nghệ thuật của đội tuyển thể dục nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bài viết Trương Mai Nhật Linh – Tài năng của thể dục nghệ thuật Việt Nam đăng trên trang Truongtoc.vn).

Những người 'chở che' cho gần 45.000 thai nhi bị chối bỏ

Những người 'chở che' cho gần 45.000 thai nhi bị chối bỏ

— 21 Tháng Năm 2017

Ánh nắng buổi chiều vẫn chưa tắt. Anh Năng vội vàng cuốc đất, đào huyệt để chuẩn bị “tiễn” các em về một thế giới khác. Ở đó, gần 45.000 thai nhi nằm cạnh nhau giữa bầu trời đầy sao và tiếng gió của núi đồi…

Doanh nhân Trương Công Thắng Tổng giám đốc Masan Trading

Doanh nhân Trương Công Thắng Tổng giám đốc Masan Trading

— 21 Tháng Năm 2017

Anh Trương Công Thắng, sinh năm 1973 là người họ Trương ở Đô Lương, Nghệ An, hiện đang là Tổng giám đốc Masan Trading.

Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn

Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn

— 21 Tháng Năm 2017

TRUONGTOC.VN - Bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm) – cựu biệt động thành Sài gòn, quyền bí thư Thành đoàn trong và sau chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 ngay sau ngày giải phóng thành phố. phó chủ nhiệm CLB truyền thống Thành đoàn

Bác sĩ được WHO ghi công

Bác sĩ được WHO ghi công

— 21 Tháng Năm 2017

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có những đóng góp tích cực vào phác đồ điều trị bệnh tay-chân-miệng.