Trong cuốn sách “Nền nếp gia phong”, tác giả Phạm Côn Sơn phân tích: Gia đình là một ngôi nhà mà khi nghĩ đến việc xây cất nó, đầu tiên người ta nghĩ đến là cần một khoảnh đất vừa đủ, một cái nền khô ráo, vững chắc, không bị trũng nước khiến những cây cột có thể bị mục nát ngã đổ, rồi mới mong sau này nó mang lại sự bình yên hạnh phúc, đóng góp tích cực cho xã hội.
Đối với những đôi bạn trẻ mới thành hôn, điều này là vấn đề tiên quyết, bởi vì nơi ăn chốn ở là môi trường quan trọng nuôi dưỡng tình yêu hôn nhân và hạnh phúc lứa đôi.
Tuy nhiên, khi đã có môi trường cư trú rồi, đôi khi người ta lại quên bẵng mất một yêu cầu tiềm ẩn để bảo vệ hạnh phúc và sự tồn tại của gia đình. Đó là, điều căn bản của đời sống trong mái ấm yêu thương chính là sự giáo dục truyền thống về những mối liên hệ giữa những người thân thương, là sự bảo đảm duy trì mối liên hệ và sự tồn tại đó.
Có một định luật tự nhiên là, tất cả mọi người đều làm theo tập quán, nhưng không mấy ai nhận thức ra điều ấy.
Cụ thể, một xã hội có kỷ cương, một gia đình có nề nếp là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của mọi thời đại.
Không thể phủ nhận rằng, dù khoa học có phát triển đến đâu, xã hội có phát triển theo hình thái nào chăng nữa, thì sự ràng buộc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình vẫn không hề mất đi.
Do vậy, nề nếp gia phong là thứ cần được giữ gìn và phát huy, nhưng cũng cần phải duyệt lại để canh tân, để có sự điều chỉnh, chọn lọc và đưa vào nhịp sống của người Việt Nam hôm nay, trở thành nền tảng đạo đức và kỷ cương xã hội.
Chiều sâu văn hóa
Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, người có những vai diễn để đời về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong điện ảnh, luôn để lại cho những ai đã từng tiếp xúc với chị một ấn tượng đẹp, dễ chịu không chỉ bởi gương mặt trái xoan hiền hậu, phong thái đoan trang, giọng nói chuẩn mực và thanh nhã, mà còn là cách sống kín đáo, khiêm nhường của những người phụ nữ Hà Nội xưa.
Có người nói, nhan sắc của Như Quỳnh ám ảnh, bởi ẩn phía sau là chiều sâu văn hóa của một tâm hồn Hà Nội.
Như Quỳnh có một cuộc hôn nhân lâu bền và hạnh phúc bên người chồng là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Bảo. Tại mọi thời điểm trong cuộc đời, dù những lúc gian truân hay khi đón nhận niềm vui, họ đều ứng xử bằng một phong thái thư thả, khiêm nhường, đồng thời không kém phần tinh tế được thụ hưởng từ nề nếp gia phong của hai gia đình Hà Nội gốc.
Chị cho rằng chính lối sống đó đã giúp chị thành công cả trên màn ảnh cũng như trong đời sống riêng tư.
Hai cô con gái của chị đều được bố mẹ tập cho một nếp sống thuần khiết, giản dị, không xa hoa phù phiếm. Những “nếp xưa” được chị duy trì một cách tự nhiên, hài hòa với sự thay đổi của xã hội.
Theo chị, việc giữ gìn thuần phong mỹ tục, nề nếp kỷ cương luôn cần thiết, vì trong đó có những giá trị trường tồn, tạo nên nền móng vững chắc giúp bảo vệ mỗi cá nhân và gia đình trước những cơn sóng dữ của đời sống xã hội.
Gia phong là nếp sống đã ăn sâu vào từng mái nhà của mọi miền quê Việt Nam, trở thành một giá trị tinh thần được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Ở phường Hòa Hương, Tam Kỳ – Quảng Nam, ai cũng biết cụ bà Nguyễn Thị Hay góa chồng từ năm 31 tuổi, nhưng ở vậy nuôi 5 con nhỏ khôn lớn để bây giờ ở tuổi 105, gia đình “tứ đại đồng đường” của cụ vẫn hòa thuận, hạnh phúc.
Trong gia đình nông dân đặc biệt ấy, nếp nhà luôn được gìn giữ với một đạo nghĩa rất đơn giản: Mình chịu khó để người thân bớt khổ…
Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bửu – con trai duy nhất của cụ Hay – hy sinh khi còn rất trẻ, thế rồi hai người đàn bà – mẹ chồng nàng dâu lại nương tựa nhau để nuôi dạy con cháu.
Cụ Hay được xem là khuôn mẫu để con cháu nhìn vào đó mà làm theo, cứ thế, người trước chỉ bảo người sau.
Anh Được (con trai của liệt sĩ Bửu) tự hào về bà nội: “Cháu chắt học ở bà cố nhiều lắm, không đứa nào dám hư!”.
Cả bốn đời, bao nhiêu cơ cực đã trải qua, nhưng ai cũng chịu khó, nhẫn nhịn. Nếp nhà cụ Hay có được bởi cách ăn ở chân thật, quý trọng sức lao động nên bao năm nay vẫn trụ vững như một bức tường đá. Đến độ cụ Hay được người dân trong vùng ví như… vài cuốn sách viết về đối nhân xử thế.
Đổi mới để bền bững
Các nhà xã hội học khẳng định: Mặc dù đời sống xã hội, kinh tế và cả những giá trị sống đang có nhiều thay đổi, nhưng nền nếp gia phong vẫn là điều cốt yếu để duy trì một gia đình hạnh phúc, bền vững và là những chuẩn mực để giáo dục con cái.
Tuy nhiên, gia phong thời nay cũng cần uyển chuyển, linh hoạt để phù hợp với đặc thù của mỗi gia đình, chỉ cần không tách rời những giá trị tốt đẹp.
Gia phong mà hà khắc, cứng nhắc theo kiểu lễ giáo phong kiến, gia trưởng, “trên bảo dưới phải nghe”, cấm bàn luận, cấm chống đối… thì chẳng những không có tác dụng mà còn có thể gây không khí căng thẳng, mệt mỏi, hoặc phản kháng ngấm ngầm của các thành viên trong gia đình, thậm chí dẫn đến đổ vỡ.
Gia phong hiện đại vẫn bao gồm tất cả những giá trị đạo đức tốt đẹp, tập quán giáo dục của mỗi gia đình, dòng tộc, đã được nhiều thế hệ chắt lọc, giữ gìn và phát huy.
Những chuẩn mực, quan niệm về gia phong có thể thay đổi theo thời gian, nhưng những giá trị mà nó luôn nhắm tới vẫn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thờ phụng tổ tiên, kính trên nhường dưới, coi trọng gia đình, thủychung tình nghĩa…
Gia phong hiện đại còn phải đảm bảo tính dân chủ, quyền tự do bình đẳng của mỗi thành viên được tôn trọng, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau và là sợi dây nối kết tình cảm giữa các thế hệ, tạo nên không khí hoà thuận trong gia đình.
Với những giá trị này, cho dù xã hội có hiện đại, hội nhập đến đâu chăng nữa thì gia phong vẫn không mất đi những giá trị nhân bản của nó
Hồng Phong
Nguồn tin: PNVN
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì