Dòng họ và nét văn hoá Việt

08:53 - 19/05/2017 Tin tổng hợp Admin 708

Văn hoá dòng họ có lẽ xuất phát từ ảnh hưởng: “Gà cùng một mẹ” trong tâm thức chung của người dân Việt. Đạo lý một Mẹ (Âu Cơ) dẫn dắt những mối liên hệ ngang dọc giữa những con người với nhau để ý thức rằng họ cùng chung một dòng họ “con Rồng cháu Tiên”.

Văn hoá dòng họ là một nền văn hoá phổ biến trong các nền văn hoá trên thế giới, bao gồm các bộ môn dân tộc học, di truyền học, văn hoá học, nhân chủng học… Đặt thành những bộ môn khác nhau để nghiên cứu văn hoá dòng họ, đủ để thấy rằng tầm ảnh hưởng của dòng họ là rất lớn trong văn hoá.

Vấn đề bao quát nhiều ngành khoa học, trong phạm vi nhỏ hẹp này, vấn đề văn hoá dòng họ được trình bày trong phạm vi hình thành nền văn hoá thờ kính tổ tiên mà thôi.

Riêng phạm vi văn hoá dòng họ cũng có rất nhiều đề tài, từ quả bầu mẹ là biểu trưng cho người trong một đất nước cùng chung một mẹ, làm nên truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cho đến từng bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình làm nên truyền thống hiếu đạo, vừa là bài học tâm linh vừa là bài học luân lý hướng dẫn đời sống mỗi con người, hình thành cơ cấu xã hội theo làng xóm, huyết tộc, làng nghề…

Khi nói đến văn hoá gia đình là nói đến văn hoá dòng họ, ở đó có trật tự lớp lang trên dưới, hình thành một cơ cấu xã hội thu nhỏ trong một đại gia đình, có những làng hình thành từ một dòng tộc như làng Lê Xá, Mạc Xá, Cao Xá…Mỗi dòng họ có đặc điểm riêng đóng góp vào trong xã hội mà ca dao còn nhắc nhớ: “bao giờ Ngàn Hống hết cây…hay như: Họ Đinh đánh giặc, họ Đặng làm quan…”.

Từ nhiều đại gia đình của nhiều dòng tộc làm nên mối tương giao xã hội lớn hơn. Hình thành văn hoá đại gia đình, nên thường thấy trong cách xưng hô của người Việt, đối với người trên: Ông, bà, chú, bác, cô, dì, thím, cậu, mợ, bố; đối với người ngang hàng: Anh, chị, em, có khi cũng gọi chú, bác, khi có con cháu rồi…Từ cách xưng hô đến cách tổ chức xã hội cũng tôn trọng lão làng, bô lão, các chức việc trong làng xã…Từ vi mô đến vĩ mô lấy thước đo tuổi tác mà kính trọng cho nên người ta thường nói: “Đại Thọ là mối phúc” phản ánh tinh thần “Kính lão đắc thọ” của người dân Việt. Trong Chùa hay Tu Viện Phật Giáo, vị Cao Tăng là người lớn tuổi nhất thường gọi là Đại Lão, được mọi người trong Chùa hay tu viện kính trọng nhất, cho thấy tinh thần quý trọng tuổi già của người dân Việt trọng tuổi như thế nào.

Văn hoá Dòng Họ phôi thai nghiêng về mẹ (mặc dù mang họ cha) nên phát triển trong hơn ngàn năm chịu đô hộ của Trung Hoa, của Pháp, Nhật… hun đúc lên một tinh thần yêu nước nồng nàn (yêu quê hường là gìn giữ lấy gia tài của mẹ). Các thứ tội như nối giáo cho giặc hay tiếp tay cho ngoại xâm đều là những thứ tội chống lại dòng họ, chống lại quê hương. Những con người phạm các thứ tội ấy sẽ làm ô danh dòng họ nên thường bị xoá tên khỏi họ và một lúc nào đó trong tâm hồn của người con bội phản ấy cũng hổ thẹn với giang sơn, với tổ tiên và với chính mình. Đan cử trường hợp Trần Ích Tắc, sau khi đầu hàng Thoát Hoan mong làm vua, sử đã loại bỏ họ chỉ còn ghi: “ Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh, Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống, nói với Thái Tông rằng, thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau sẽ về phương Bắc. Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có cái vết lờ mờ như hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mơ. Đến năm mười lăm tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi đích trưởng. Ích Tắc đã từng gửi thư cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống Nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc” Nay nhìn lại với góc cạnh khác, danh thơm tiếng tốt của Dòng Họ làm nên những con người yêu quê hương, mến người tài đức, lấy đó làm tiêu chí phát triển và bảo vệ giang sơn giống nòi, làm nên những trang sử hào hùng vẻ vang cho một dân tộc, xứng danh thay những dòng họ Việt Nam.

Trong đời sống tâm linh, người Việt cũng kết họ cho các bậc thần linh, có Đại Vương Cả, Đại Vương Hai, có Ông Thiên cũng có Bà Thiên, có Mẹ Liễu Hạnh cùng có Bố Trần Hưng Đạo…Đối với cách xưng hô của người xứ Đàng Trong, không gọi người con đầu trong gia đình theo cách gọi là Anh Cả, có lẽ (không chắc lắm vì theo suy luận ngoại nhiên) để tránh phạm huý đến một người mà dân Việt mang ơn đó là “Cha Cả” tức là Giám Mục Pigneau de Behain, chỉ có một người là cha cả và người khác bắt đầu từ Hai.

Kết họ hàng thần linh, người Việt cũng tin rằng Âm sao Dương vậy, nên trong nghi thức cúng tế tổ tiên, khi dâng chén cơm, khi dâng chén nước cho tổ tiên, người Việt cũng tin rằng ở thế giới bên kia ông bà tổ tiên cũng cần dùng những thức ấy như khi còn ở nơi dương thế. Từ niềm tin Âm sao Dương vậy cũng hình thành nên tâm thức Âm không cách xa Dương, người sống không xa với người đã khuất, mọi lễ thức, mọi chuyện vui buồn đều có sự hiện diện của tổ tiên.

Gia đình linh tông được phát triển cũng theo tính cách chung của văn hoá dòng họ. Gia đình linh tông dành cho những người đi tu, được thiết lập bởi một người gọi là cha bố, nghĩa là người bảo trợ về tinh thần cũng như tài chánh cho những người con từ khi bước vào đời tu cho đến khi thành tài. Gia đình linh tông có trách vụ và quyền lợi như gia đình tự nhiên, theo nguyên tắc hỗ trợ cho ơn gọi (đi tu). Một gia đình linh tông bao gồm cả con trai và con gái, cũng có khi mang một gốc tổ…

Văn hoá dòng họ còn ảnh hưởng sâu rộng trong cách sắp xếp trong tổ chức xã hội. Người đứng đầu trong nước, một cơ quan, hoặc trong các công ty, xí nghiệp được xưng hô bằng từ bác,  chú, cô, dì…Cách gọi này, biểu hiện tương quan rõ rệt trật tự như trong một gia đình.

 Văn hoá gia đình có điểm tích cực song cũng có những điểm tiêu cực không tránh khỏi khi dòng họ mang tính cục bộ. Theo quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”, một phần nào xã hội cũng bị chi phối “con vua lại làm vua”, từ đó cũng có những kém phát triển, mất cán cân công bằng cho mọi người có cơ hội đi lên như nhau. Nhiều dòng họ cục bộ nắm giữ những vai trò trọng yếu trong quốc gia, dẫn đến lạm quyền, tính cách cha chú, mất tính năng động sáng tạo và thay vào đó bằng tính cách vâng lời, tuân thủ nguyên tắc họ hàng, cấm phản kháng, chống đối…

Văn hoá dòng họ là cần thiết ở mức độ phổ quát, được kể là người trong một nước, tinh thần của một dân tộc. Dòng họ thu nhỏ cục bộ sẽ làm mất đi tính danh của các dòng họ khác, làm cản trở cho sự tiến bộ chung, quan niệm “một giọt máu đào hơn cả ao nước lã” áp dụng trong mọi hoàn cảnh là nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội . Chính vì vậy mà người Việt cũng biết tuỳ thuộc vào nhau để sống: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, là phương cách hài hoà giữa gia đình lớn và gia đình thu nhỏ.

Nhấn mạnh đến tính cách chung mà không làm hao mòn tính cách riêng, nên người Việt cũng nhắn nhủ nhau “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, dòng họ bầu khác với dòng họ bí theo tính cách riêng và giống nhau ở tính cách chung, một dòng họ lớn hơn, bao quát hơn: “tuy rằng khác giống mà chung một giàn”.

Văn hoá dòng họ có thể biểu hiện bằng “văn hoá bầu bí” là tinh hoa bản sắc của văn hoá Việt.

Ta không phủ nhận tính cách cần thiết của một nền văn hoá gia đình thu nhỏ, nhưng ta cũng không chối bỏ tính cách liên đới của một gia đình lớn hơn, phổ quát hơn. Chính vì vậy mà gia đình tồn tại với đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”.

Hồng Phong

Nguồn tin: Báo mạng

Những tin cũ hơn

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

Bài ký trên chuông chùa làng Phú Lễ, Tổng Hạ Lang, Huyện Quảng Điền, Phủ Thừa Thiên

— 19 Tháng Năm 2017

Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

Lễ Dâng Sao Giải Hạn Trong Tâm Linh Người Việt

— 19 Tháng Năm 2017

Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó

Chùa xuân trên Đất Bắc

Chùa xuân trên Đất Bắc

— 19 Tháng Năm 2017

Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

Ý Nghĩa Tục Mừng Tuổi Đầu Xuân

— 19 Tháng Năm 2017

Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì