TRUONGTOC.VN - Ngày 13/4, tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), diễn ra Hội thảo khoa quốc tế về “Tín ngưỡng thời cúng tổ tiên trong xã hội đương đại” (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam. Đây là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên và có qui mô lớn nhất từ trước đến nay về đề tài này được tổ chức tại Việt Nam do UBND tỉnh Phú Thọ, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ VHTTDL tổ chức .
Cổng Thông tin điện tử Họ Trương Việt nam nhận được bài tham luận của PGS.TS Trương Quốc Bình - Chuyên viên cao cấp - Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia do chính tác giả gửi qua email ngày 18/06/2011 cho Quản trị website. Dưới đây là nội dung bài tham luận.
ĐÔI ĐIỀU VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG Ở VIỆT NAM
I- Nét độc đáo của tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng đặc thù của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng này được coi là dạng thức đặc biệt về vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người từ thời tiền sử, từ sùng bái những hiện tượng tự nhiên, sùng bái loài vật đến sùng bái và thờ cúng những người đã mất.
Cơ sở quan yếu nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là đức tin về sự tồn tại bất diệt của thế giới hồn linh, đặc biệt là sự tồn tại và quyền năng của linh hồn những người đã mất có quan hệ huyết thống với những người đang sống.
Ở Việt Nam, từ hàng ngàn năm nay, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên vẫn đã và đang luôn luôn được coi là một yếu tố hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người và mỗi gia đình , mỗi dòng tộc. Hình thức cơ bản của tín ngưỡng này là việc lập bàn thờ tại mỗi gia đình, tại nhà thờ của mỗi dòng họ và thực hành những nghi lễ thờ cúng trong mọi chu kỳ của đời người như sinh nở, trưởng thành, cưới xin, tang ma…cùng mọi chu kỳ tự nhiên như đón năm mới. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên còn trở thành một hoạt động thường nhật không thể thiếu nhằm có thêm được sự ủng hộ, sự may mắn như khi bắt đầu làm một công việc gì đó như xây dựng, sản xuất, chữa bệnh, học hành thi cử, mua bán…với mong muốn giảm bớt sự thiếu may mắn , hoặc chia vui , cảm ơn linh hồn người đã mất đã góp phần tạo lập những kết quả, những sự thành công…Như vậy, đối với người Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không phải là tôn giáo mà là một tập tục truyền thống, một đạo lý cơ bản của mỗi người và mỗi gia đình.
Trong xã hội truyền thống ở việt Nam, do những đặc thù về địa- chính trị và địa- văn hóa, từ hàng nghìn năm nay, làng là đơn vị hành chính cơ sở có vai trò hết sức quan yếu trong việc sáng tạo, bảo giữ và lưu truyền những bản săc văn hóa truyền thống .
Với tư cách là một đơn vị cộng sinh và cộng cảm, từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo quan hệ huyết thống của mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, cộng đồng làng xã còn tạo nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của cả cộng đồng làng xã- của tất cả những người có mối quan hệ phi huyết thống và huyết thống , sống chung trên một địa bàn. Và, đối tượng thờ cúng của cộng đồng làng không phải/ và không chỉ /là những người trực tiếp sinh ra họ mà là những nhân vật được toàn thể cộng đồng thừa nhận và suy tôn thành Thành hoàng.
Trong số này, có thiên thần và nhân thần- những danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa , những anh hùng có công dựng nước và giữ nước hoặc nhân vật có thật trong lịch sử có công lập làng, truyền nghề…Đồng thời, cũng có không ít thành hoàng làng là các biểu tượng được xây dựng từ huyền thoại, huyền tích, được cộng đồng gán ghép và xây dựng thành những nhân vật siêu phàm, thành những biểu tượng văn hóa của cộng đồng mang những đặc trưng của địa phương về cả tự nhiên lẫn xã hội. Những biểu tượng văn hóa này còn được hiện thực hóa , vật chất hóa cho phù hợp với những đặc trựng về điều kiện tự nhiên và đặc điểm xã hội của cộng đồng như có ngày sinh, ngày mất cụ thể để tổ chức cúng giỗ hàng năm và các nghi thức tưởng niệm khác.
Thành hoàng được thờ cúng tại Đình làng , ngôi nhà thờ chung của cộng đồng, có quy mô vượt trội so với các nhà thờ tổ tiên riêng của các tộc họ, nơi thực hành những nghi thức thờ cúng chung và đồng thời là nơi tổ chức nhiều hoạt động có tính văn hóa xã hội khác của cộng đồng làng xã.
Mục đích cơ bản của việc thờ cúng thành hoàng là tỏ lòng ngưỡng mộ, ghi tạc công ơn của cộng đồng đối với công lao của những đối tượng được thờ phụng; đồng thời, cầu mong sự phù hộ, trợ giúp cho toàn thể cộng đồng hoặc các thành viên thực hành những nghi thức này. Do quy mô của Đình, Đền và cấp độ của các đối tượng được thờ phụng, không như việc tổ chức tại các gia đình, nghi thức và cách thức tổ chức thờ cúng tại cộng đồng tuân thủ theo những quy ước nghiêm ngặt, chặt chẽ, được kết hợp với việc tổ chức hội làng, một sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đâm nét dân gian, thể hiện những bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương.
2. Đặc trưng của Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam
Cũng xuất phát từ nhũng đặc điểm đia- chính trị và địa- văn hóa, trải qua hàng nghìn năm, ở Việt nam tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên còn được “phát triển” thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây quả là hiện tượng hiếm có , nếu không nói là độc nhất, trên thế giới khi cả quốc gia dân tộc Việt Nam đã tự coi mình là có chung một nguồn gốc ( đồng bào), rồi lập nên một khu mộ Tổ chung và đặt ra một ngày giỗ Tổ chung để thưc hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng- vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia dân tộc.
Từ hàng ngàn đời nay, trong đời sống tâm linh của người Việt, vua Hùng vẫn luôn luôn có vị trí quan trọng đặc biệt như một biểu tượng văn hóa cụ thể , một thực thể tâm linh thiêng liêng khác hẳn với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giói. Chính vì thế, việc thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương đã được các cộng đồng người Việt thực hiện trên địa bàn cả nước từ hàng trăm năm nay.Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì vào thời Lê ( từ TK XV- XVIII), đã có tới 1026 đình, đền tại 944 làng xã trong toàn quốc thờ Hùng Vương và các nhân thần thời đại này(1).
Tuy nhiên, việc thờ cúng Hùng Vương được thực hiện tập trung nhất phong phú nhất lại diễn ra tại khu vực Đền Hùng, Việt Trì và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Phú Thọ- địa bàn cư trú của người việt cổ, tương ứng với Thời đại Hùng Vương mà hệ thống 31 đình, đền thờ Hùng Vương và các tướng lĩnh đang hiện hữu cùng 32 di tích khảo cổ từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn đã được nghiên cứu, phát hiện tại khu vực này trong nhiều thập kỷ vừa qua là những minh chứng vật chất của những huyền tích và huyền thoại về Hùng Vương.
Bên cạnh đó, sự phong phú, đặc sắc của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến việc tưởng niệm và tôn vinh Hùng Vương tại khu vực này như các lễ hội làng, các hình thức văn chương truyền miệng, trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian ( đặc biệt là hát xoan, hát ghẹo)… có nguồn gốc lâu đời và mang những đặc điểm độc đáo của vùng đất được coi là “ kinh đô cổ xưa nhất “ ở Việt Nam trước khi trung tâm của quốc gia dân tộc thời cổ rời chuyển về vùng đồng bằng ( Cổ Loa- ngoại vi Hà Nội ngaỳ nay).Rõ ràng rằng, những yếu tố nói trên là sự khẳng định trong thực tế vị trí trung tâm của khu vực Đền Hùng và vùng phụ cận trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chung của cả nước.
Đáng chú ý là, từ vài trăm năm trước, cùng với việc can thiệp của nhà nước vào tín ngưỡng thờ cúng dân gian thông qua việc ban sắc cho các đối tượng được thờ tất cả các làng xã trong toàn quốc diễn ra thường xuyên trong các triều Lê (1428-1788), Nguyễn (1802-1945), việc “Nhà nước hóa” tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được thực hiện với việc đưa thời đại huyền tích này vào chính sử và soạn thảo “ Ngọc phả Đền Hùng” vào năm 1470 ( Hồng Đức nguyên niên).
Đồng thời, từ hàng trăm năm nay, lễ hội Đền Hùng- được coi là ngày Giỗ Tổ chung của quốc gia dân tộc cũng đều đặn được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm và được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt. Chính vì thế, cùng với thời gian, các công trình thờ cúng Quốc Tổ Hùng vương tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh, Việt Trì do cộng đồng làng xã địa phương lựa chọn và xây dựng đã không ngừng được sửa sang, tôn tạo và trở thành một quần thể công trình kiến trúc văn hóa mang chức năng và tính thiêng do con người tạo cho từ tín ngưỡng độc đáo này.
3- Sức sống và những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và Quốc Tổ Hùng Vương trong xã hội đương đại
Cho đến nay, thờ cúng Tổ tiên vẫn đã và đang là hình thức tín ngưỡng phổ biến nhất ở Việt Nam, vẫn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người, mỗi gia đình và trở thành một trong những nhu cầu tâm linh không thể thiếu nhằm gắn kết các thành viên theo quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình- những tế bào của xã hội.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng từng bước được phục hồi thông qua các hoạt động tu sửa, tôn tạo các công trình kiến trúc công cộng của làng xã (đình, đền, miếu) và tổ chức lễ hội dân gian ở hầu khắp các địa phương trong toàn quốc. Những hoạt động này đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bồi đắp tình cảm và trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng dân cư tại các đơn vị hành chính cơ sở của quốc gia dân tộc.
Trong xã hội đương đại ở Việt Nam hiện nay, việc thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương chẳng những vẫn được duy trì mà còn được mở rộng cả về quy mô lẫn hình thức gắn liền với sự ủng hộ và đầu tư của các cơ quan trung ương và tỉnh Phú Thọ cùng sự tham gia tự nguyện của nhiều tổ chức và cá nhân trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã và đang đặc biệt quan tâm đến tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương nói chung và Khu di tích Đền Hùng nói riêng. Năm 1962, Đền Hùng được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngay trong đợt xếp hạng di tích đầu tiên và năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là một trong 10 Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.
Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, công tác khảo sát, điều tra, quy hoạch Khu di tích đền Hùng đã được triển khai làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích đặc biệt này. Tại Quyết định số 63/TTg năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã “Phê duyệt dự án tổng thể khu di tích lịch sử Đền Hùng”. Năm 2004, Chính phủ lại phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử đền Hùng, tinh Phú Thọ đến năm 2015. Muc tiêu chính yếu của các dự án, quy hoạch này là: Bảo tồn, tôn tạo không gian văn hóa –tín ngưỡng ở các đình, đền thờ Hùng Vương ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; ưu tiên việc tu sửa, phục hồi các di tích đã và đang xuống cấp; đảm bảo thực hiện quy hoạch Khu di tích Lịch sử Đền Hùng theo đúng các văn bản pháp quy hiện hành.
Tính đến nay, có 1417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam. Trong số này, ngoài 326 di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, còn có không ít công trình tại các tỉnh, thành phố ở miền Trung và miền Nam như:
Nghệ An, Thừa Thiên- Huế, Khánh Hòa, Lâm Đông, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang (2). Nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng tự nguyện xây dựng các công trình tưởng niệm Hùng Vương nhằm đáp ứng nhu cầu hướng về nguồn cội của đồng bào ở xa Tổ quốc. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, cùng với việc tổ chức những nghi thức chính thức tại khu Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, các hoạt động thờ cúng và tưởng niệm Hùng Vương cũng đồng thời được tổ chức ở hầu khắp các địa phương mà hạt nhân là không gian của các công trình tưởng niệm này. Trước nhu cầu hành hương tìm về nguồn cội của hàng triệu du khách trong cả nước trong các dịp lễ hội Đền Hùng, từ năm 2005, theo quy định tại Nghị định 82/CP của Chính phủ, Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm. ( Nhà nước tổ chức vào những chẵn, năm tròn và UBND tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm tổ chức vào những năm lẻ ).
Cho đến nay,với sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tụ nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên truyền thống của đông đảo người dân Việt Nam với triết lý “Con người có tổ có tông” và “ Uống nước nhớ nguồn” cơ sở của đạo lý đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau càng ngày càng được phổ cập và thực hành như một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong xã hội đương đại.
Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và những ngày còn lại trong năm, hàng triệu lượt người từ khắp mọi miền của Tổ quốc hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh- Đền Hùng để tưởng niệm Hùng Vương- để ghi tạc công lao dựng nước và giữ nước từ những buổi đầu lập nước.
Đối với cộng đồng cư dân các làng xung quanh khu vực Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ- trung tâm điểm của tín ngưỡng truyền thống đặc biệt này, Hùng Vương còn được coi là thần tổ gắn với nghề nông, có công dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban năng lượng thiêng cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn hiển hiện đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hiện nay.
Và, với những giá trị tinh thần không thể phủ nhận, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương đã trở thành một trong những di sản văn hóa độc đáo của quốc gia dân tộc Việt Nam, một bộ phận hữu cơ của kho tàng di sản văn hóa nhân loại./.
Tàì liệu tham khảo:
- Cục Văn hóa Thông tin cơ sở “ Những di tích thờ Vua Hùng ở Việt nam”, Hà Nội, 2005.
- Lê như Hoa ( chủ biên), “Tín ngưỡng dân gian ở Việt nam”,. NXBVHTT, Hà Nội, 2001
- Kỷ yếu hội thảo “ Không gian văn hóa vùng đất tổ Hùng Vương đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới “ do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức tại TP Việt Trì, tháng 7/2008.
- Kỷ yếu Hội thảo” Di tích lịch sử Đền Hùng và không gian văn hóa Hùng Vương”, Phú Thọ,
tháng 1, 2009.
- Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam “ Báo cáo tổng quan về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ” ( từ 25/8/2010 đến 25/2/2011)
-----------------------------------------
(1) Theo Nguyễn Thị Phượng, “ Bảng tra thần tích địa danh làng xã”, NXBKHXH, Hà Nội, 1996.
(2)Trong số này, ngoài 326 di tích tại tỉnh Phú Thọ, số di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời đại Hùng Vương được thống kê tại các tỉnh, thành phố khác là: Vĩnh Phúc 62;Hà Tây( cũ): 364; Hà Nội( cũ): 161;Thái Nguyên:11; Bắc Ninh:168; Bắc Giang:39; Hải Dương:40; Hải Phòng: 14; Hưng Yên:60; Hà Nam:143; Nghệ An:8; Thừa Thiên- Huế: 1; Khánh Hòa: 1; Đồng Nai: 2; Lâm Đồng: 2; TP HCM: 14; Kiên Giang:1 ( Thống kê của Cục VHTTCS năm 2005)
PGS.TS Trương Quốc Bình
Chuyên viên cao cấp
Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam
Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì