Cuốn "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" - đang được trưng bày tại triển lãm "Di sản chữ Nôm" nhân hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (11-14.11) - hiện được coi là cuốn từ điển cổ nhất VN hiện nay. Tuy nhiên, xung quanh cuốn cổ thư này vẫn còn rất nhiều ẩn số, mà vấn đề tác giả là ẩn số đang được quan tâm nhất.
Một cuộc "cách mạng" và 7 truyền bản
"Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" - theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh có niên đại khoảng thời Lê sơ - là một cuốn từ điển Hán - Việt, dùng thơ Nôm để giải thích các mục từ chữ Hán, gồm 3394 mục từ. Hiện sách này còn 7 truyền bản cổ in và chép tay: lưu tại thư viện của Viện Hán Nôm, thư viện Societe Asiatique (Pháp), 1 do Viện Viễn đông Bác cổ thuê chép, 1 tiếp thu được từ thư viện Long Cương của ông Cao Xuân Dục và 3 bản khác đang được lưu giữ tại các tư gia của GS Nguyễn Tài Cẩn, ông Phùng Uông và PGS Ngô Đức Thọ. Các truyền bản có sự khác nhau về kiểu chữ, số trang (bản nhiều 85 tờ, bản ít 82 tờ), nội dung đôi chỗ không trùng khớp nhưng nhìn chung không khác nhau nhiều.
Theo như bài tựa chữ Hán trong "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa", cuốn từ điển này được "chỉnh lý, bổ sung" từ một cuốn sách có tên là "Chỉ nam phẩm vựng". Theo suy đoán của TS Hoàng Thị Ngọ, cuốn "Chỉ nam phẩm vựng" là một cuốn từ điển Hán - Việt ra đời từ rất sớm, phần tiếng Việt được ghi lại bằng một thứ chữ Nôm rất cổ. "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" chính là cuộc "cách mạng" về văn tự để trở thành một cuốn từ điển dễ hiểu với người đương thời.
"Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" là một di sản quý giá của kho tàng chữ Nôm. Nó vừa là chứng tích một trang cổ sử chữ viết của dân tộc ta, đặc biệt là có nhiều từ cổ giờ đây đã biến dạng hoặc biến mất. Nó vừa là một "bảo tàng" liên quan đến nhiều lĩnh vực của xã hội đương thời như hôn nhân, văn hoá dân gian, y học, nông nghiệp, thiên văn học, nhạc khí, binh khí v.v… Tuy nhiên, 21 năm sau luận án của TS Trần Xuân Ngọc Lan năm 1983, mãi đến đầu tháng 11 năm nay, mới có thêm một công trình nghiên cứu nữa về cuốn từ điển này là của TS Hoàng Thị Ngọ (Viện Hán Nôm). Còn lại, cuốn sách này chỉ được bàn qua trong các công trình nghiên cứu liên quan đến chữ Nôm hoặc một vài bài báo nhỏ.
Tác giả là hoàng hậu?
Đầu mối để xác định tác giả "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" là một câu thơ trong bài tựa chữ Nôm có đề cập đến người làm sách là "Hồng phúc danh hương chân pháp tính", các quan điểm khác nhau xuất phát từ sự khác nhau trong cách ngắt nhịp câu thơ để giải nghĩa. Năm 1975, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh phát biểu rằng "Pháp hiệu của tác giả là Hương - chân - pháp - tính" ("Hồng phúc/danh Hương Chân Pháp Tính"). Song giả thuyết cho đến nay vẫn có đông đảo "tín đồ" nhất lại xuất hiện trước đó 7 năm, là của nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp: tác giả là "một vị túc tăng là nữ sĩ Pháp Tính, xuất gia tu Phật". Pháp Tính là đạo hiệu của Lê triều Hoàng Thái Hậu, chính cung Hoàng hậu của vua Lê Thần Tông - bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (1619 - 1643), nên sau ý kiến của Trần Văn Giáp, nhiều sách báo đều cho rằng cuốn "Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa" là của bà Hoàng hậu này.
Tuy nhiên, những điểm bất cập trong giả thuyết này đã được TS Trần Xuân Ngọc Lan chỉ ra trong nghiên cứu của mình từ năm 1983. Bà Lan đã dựa vào một câu khác trong bài tựa chữ Nôm: "Trẻ từng vả đấng khoa danh/ Già lên cõi thọ tìm doành bụt tiên" để làm rõ hơn về thân thế tác giả là thời trẻ đã đỗ đạt trong đường thi cử, và khẳng định tác giả không thể là nữ vì thời đó chỉ nam giới mới có thể "vả đấng khoa danh". Hơn nữa, trong bài tựa tác giả lại tự xưng là "tăng", chứ không phải "ni".
"Thêm vào đó, tư liệu lịch sử còn cho thấy rằng: Dòng dõi họ Trịnh rất khinh ghét chữ Nôm. Do đó khó tưởng tượng có một công chúa họ Trịnh lại có thái độ trân trọng, có kiến thức uyên thâm, có quan điểm quần chúng trong việc phổ biến chữ Nôm như trong bài tựa". Trong khi nghiên cứu cuốn sách này, bà Lan được cung cấp một thông tin khác: Trong gia phả phân chi họ Trương ở Như Quỳnh có ghi ông Trương Hỗ (1721 - 1798) có trước tác "Chỉ nam ngọc âm". Song, trong gia phả lại ghi ông Trương Hỗ làm quan đến năm 70 tuổi rồi về trí sĩ tại quê nhà, trong khi tác giả cuốn sách lại là người tu hành. Như vậy, bà Lan đã đưa ra được những lý lẽ phản bác khá thuyết phục, song lại chưa đưa ra một giả thuyết nào làm sáng rõ hơn chân dung tác giả.
TS Hoàng Thị Ngọ đã đưa ra một cách ngắt nhịp câu khác "Hồng Phúc danh/ Hương Chân pháp tính" để thử "giải mã" câu thơ này: Tác giả là nhà sư có pháp tính (đạo hiệu) là Hương Chân, ở chùa có tên gọi Hồng Phúc. Theo sử sách, chùa Hồng Phúc được xây dựng từ thời Lý (nay là chùa Hoè Nhai - HN).
Liệu có một giả thuyết nữa: Tác giả tên là Hồng Phúc, đạo hiệu là Hương Chân?
Phương Duy
Ngày xuân là dịp người người trẩy hội du xuân, nhà nhà lên chùa hái lộc và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Trong không khí
Các nhà nghiên cứu cho rằng, rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng và sùng bái của người xưa trở thành biểu tượng tốt đẹp
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tính ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, cứ vào sáng sớm mồng một tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu
Nhiều người trong chúng ta đã quá quen với những chiếc phong bao lì xì trong mỗi dịp tết. Trẻ con thì được nhận tiền lì xì