4 chị em nhà giáo họ Trương

19:21 - 20/05/2017 Người họ Trương Admin 1858

Nhiều cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thường nhắc đến tấm gương yêu nghề và đầy nhiệt huyết của bốn chị em nhà họ Trương.

Gia đình làm nghề giáo (từ trái qua): Trương Thị Việt Liên, Trương Thị Việt Thủy, Trương Thị Việt Liễu, Trương Vy Việt Huyền - Ảnh: Như Hùng
Gia đình làm nghề giáo (từ trái qua): Trương Thị Việt Liên,
Trương Thị Việt Thủy, Trương Thị Việt Liễu, Trương Vy Việt Huyền -
Ảnh: Như Hùng

* Nhà giáo ưu tú Trương Thị Việt Thủy - nguyên phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM, giáo viên dạy văn nổi tiếng với giọng nói truyền cảm như rót mật vào tai học trò mỗi lần cô lên lớp:

“Từ hồi còn nhỏ tôi đã rất thần tượng hình ảnh thầy cô giáo đứng trên bục giảng nên không ngần ngại chọn học Đại học Văn khoa. Ra trường, tôi đi dạy với tất cả lòng yêu nghề và đam mê sẵn có. ]

\Tôi quan niệm đã dạy văn thì phải dạy bằng cả trái tim, làm sao truyền sự rung động của mình qua học sinh để các em có cảm xúc thật sự, để các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp từ văn chương. Vì thế, tiết dạy của tôi không có sự khoa trương, không phô diễn bằng ngôn từ. Tôi biết tự điều tiết mình qua ánh mắt của học sinh. Các em không hiểu bài hoặc lơ đãng là tôi biết ngay, thay đổi phương pháp giảng dạy ngay, nếu không các em sẽ rất nhanh chán môn văn.

Ở độ tuổi 12-15 (học sinh bậc THCS) các em hồn nhiên, tình cảm lắm. Vấn đề là người thầy có khơi gợi được sự tốt đẹp tiềm ẩn trong các em không. Nhiều người nhận xét học sinh THCS bây giờ thích nổi loạn quá. Đôi lúc tôi cũng có cảm giác như vậy nhưng hãy đặt mình vào vị trí của các em để hiểu và thương các em hơn. Từ đó mới có thể có biện pháp giáo dục hiệu quả”.

 

* Cô Trương Vy Việt Huyền - giáo viên môn hóa học Trường THPT Thủ Đức, nhiều năm liền là giáo viên giỏi, giáo viên nổi tiếng ở Trường THPT Thủ Đức với những tiết dạy sáng tạo, sinh động và hiệu quả; là giáo viên luôn được phân công làm chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt, rất “mát tay” với công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi:

“Mặc dù bốn chị em chúng tôi đều đã có gia đình, con cái đề huề, công việc của người nào cũng bận rộn, nhưng hằng tuần chúng tôi vẫn dành ngày chủ nhật để cùng nhau tụ họp ở nhà ba mẹ. Và lần nào cũng vậy, nói hết chuyện nhà lại ra chuyện nghề, lại tranh luận, có khi cãi nhau chỉ vì một quan điểm giáo dục nào đó.

Những lần như thế tôi học được rất nhiều từ chị Thủy, nhất là công tác giáo dục học sinh cá biệt. Muốn giáo dục các em trước hết hãy xem các em như con của mình. Trước khi nhận một lớp mới, tôi luôn phải tìm hiểu tình hình lớp từ giáo viên cũ của năm trước.

Gần gũi, tình cảm nên các em sẽ tin tưởng mình. Thế nên các em mới tâm sự với mình, chia sẻ niềm vui, những bức xúc... của các em. Nhờ vậy mà không ít lần tôi đã kịp thời ngăn cản những vụ việc có thể dẫn đến nghiêm trọng.

Ví dụ như có lần một học sinh đã đến kể cho tôi nghe về sự cư xử bất công (em cho là như vậy) của một giáo viên bộ môn đối với em, em bảo em rất ức, muốn đánh giáo viên đó một trận cho bõ ghét.

Nhiều người không hiểu thường có cái nhìn thiếu thiện cảm với học sinh cá biệt. Thật ra các em rất đáng thương, trong gia đình không được ba mẹ quan tâm, do đó sinh ra bất cần thì vào trường học các em cũng bất cần là điều đương nhiên”.

 

* Nhà giáo ưu tú Trương Thị Việt Liên - hiệu trưởng Trường mầm non Q.11, TP.HCM:

ThS Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM - đã có lần nhận xét: “Trương Thị Việt Liên có sức sáng tạo không ngơi nghỉ. Năm nào cũng cho “ra lò” sáng kiến kinh nghiệm có thể phổ biến trong ngành. Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy ở bậc mầm non đến việc sáng tác một số phần mềm cho bé từ 3-5 tuổi chơi trên máy vi tính, thay đổi hình thức tổ chức giáo dục trong trường mầm non, giảm tải cho giáo viên...”.

Nói về việc này, cô Việt Liên cười: “Ông xã thường trêu tôi là người chuyên đi làm công quả. Vì cứ lấy tiền nhà phục vụ công việc của mình. Có lẽ từ trước tới nay tôi không phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Hồi còn độc thân còn phải xin thêm tiền ba mẹ để mua vật liệu làm đồ dùng dạy học. Sau này khi đã lấy chồng thì nhờ chồng. Thu nhập của giáo viên mầm non hiện vẫn còn khiêm tốn quá. Nhiều cô rất tâm huyết, rất giỏi nhưng “cái khó bó cái khôn”. Tôi may mắn không bị vướng vào cái khó ấy. Nói chung công việc của tôi được như ngày nay là nhờ ông xã, anh ấy dạy tôi biết sử dụng vi tính, hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tôi đi học thêm hết nội dung này đến nội dung khác để nâng cao tay nghề”.

* Cô Trương Thị Việt Liễu - phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường mầm non tư thục Lan Anh, Q.10:

Từng là giáo viên giỏi ở Trường mầm non Hoa Lư, nổi tiếng với năng khiếu hát, vẽ và tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi. Mất một thời gian nghỉ việc để lo chuyện gia đình, cô được chủ trường Lan Anh mời về làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.

Sau nhiều năm gầy dựng, Lan Anh bây giờ đã trở thành thương hiệu trường mầm non nổi tiếng ở TP.HCM (luôn luôn có hồ sơ học sinh chờ được gọi đi học). Không những là địa chỉ tin cậy của phụ huynh mà còn là ngôi trường có chất lượng chăm sóc giáo dục tốt được Sở GD-ĐT TP.HCM khen tặng.

“Vì là trường tư nên mục đích duy nhất của chúng tôi là làm sao để giữ chân phụ huynh, làm sao để học sinh phát triển tốt nhất. Mọi hoạt động của giáo viên đều nhằm vào hiệu quả giáo dục trẻ chứ không phải danh hiệu này danh hiệu nọ.

Nhiều người nói tôi cực đoan không cho giáo viên tham gia kỳ thi giáo viên giỏi. Tôi nói giáo viên đã giỏi thì phải giỏi thường xuyên chứ không phải chỉ giỏi 1-2 tiết dạy. Mà mỗi lần đi thi như thế, cả bầu đoàn thê tử kéo đi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thường ngày của học sinh. Cứ ở trường chăm sóc học sinh cho tốt, phụ huynh tin tưởng là được rồi.

Tôi cũng không nhằm đào tạo 1-2 cô giỏi để lấy tiếng mà giáo viên phải đều tay về chuyên môn mới giữ vững chất lượng chăm sóc - nuôi dạy được”.

HOÀNG HƯƠNG
http://tuoitre.vn/Giao-duc/431501/4-chi-em-nha-giao-ho-Truong.html

 

Hoàng Hương

Những tin cũ hơn

Họa sĩ Trương Hán Minh - Ủng hộ người nghèo

Họa sĩ Trương Hán Minh - Ủng hộ người nghèo

— 20 Tháng Năm 2017

Cuộc triển lãm "Tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh" nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và ủng hộ quỹ ...

Các tướng lĩnh họ Trương với sự nghiệp giúp nước thời Tây Sơn

Các tướng lĩnh họ Trương với sự nghiệp giúp nước thời Tây Sơn

— 19 Tháng Năm 2017

Vương triều Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lập nên tuy tồn tại không lâu nhưng đã làm rạng rỡ trang sử huy hoàng dân tộc bằng những công cuộc cải cách kinh tế, giáo dục, lẫy lừng nhất là chiến thắng 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh trong dịp Tết xuân Kỷ Dậu 1789. Với tinh thần xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự chủ dân tôc, vì quốc thái dân an, các tướng lĩnh họ Trương đã có những cống hiến lớn Đại Việt thời Tây Sơn. Xin trân trọng giới thiệu một số nhân vật tiêu biểu: